Thách thức đối với sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc

06:30' - 15/12/2020
BNEWS Câu chuyện nổi tiếng về sự tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc, với tốc độ khoảng 10%/năm trong 40 năm, sắp kết thúc vì các nhân tố trong nước và toàn cầu.

Bài viết trên trang mạng East Asia Forum  nhận định, khi phân tích triển vọng của Trung Quốc trong vài thập kỷ tới, các chuyên gia nhận thấy có ba thách thức cụ thể nổi bật.

Đó là sự chuyển dịch từ xã hội thừa lao động sang xã hội khan hiếm lao động; sự chuyển dịch từ đầu tư sang đổi mới như là nguồn tăng trưởng chính; và sự thay đổi vị thế toàn cầu của Trung Quốc từ một cường quốc đang lên thành một cường quốc đã khẳng định vị thế.

Tốc độ già hóa nhanh có lẽ là thách thức nội địa lớn nhất của Trung Quốc. Số dân trên 65 tuổi sẽ tăng từ 200 triệu người hiện nay lên 400 triệu người vào năm 2049, trong khi tổng dân số sẽ giảm nhẹ. Trong nhóm này, số dân ở độ tuổi 85 trở lên tăng nhanh nhất, từ dưới 50 triệu người hiện nay lên hơn 150 triệu người vào năm 2049. Thách thức chăm sóc người cao tuổi càng khó khăn hơn do sự phân chia nông thôn - thành thị của Trung Quốc.

Phần lớn người cao tuổi sống ở nông thôn, mặc dù con cái trong độ tuổi lao động của họ đã chuyển đến các thành phố làm công nhân nhập cư. Do hệ thống y tế nông thôn yếu hơn thành thị nên việc chăm sóc người cao tuổi sẽ đòi hỏi việc tăng cường việc cung cấp dịch vụ ở nông thôn hoặc nhu cầu di cư đến các thành phố.

Trung Quốc cần loại bỏ hệ thống đăng ký hộ khẩu mà hạn chế sự di cư, cũng như thống nhất lương hưu, bảo hiểm y tế và hệ thống giáo dục ở nông thôn và thành thị. Điều này sẽ có tác động tốt cho cả mục tiêu xã hội và việc sử dụng lao động hiệu quả.

Đối phó với vấn đề lão hóa trước hết là chất lượng cuộc sống, nhưng nó cũng có những tác động kinh tế. Lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ giảm xuống, nhưng giảm bao nhiêu và tác động như thế nào thì cần phải xem xét. Khi lực lượng lao động của Trung Quốc thu hẹp lại, nhóm dân cư ở độ tuổi từ 55-64 sẽ tăng đáng kể.

Giữ cho nhóm này và “những người già còn trẻ” (65–85) khỏe mạnh và năng động là hy vọng tốt nhất của Trung Quốc để ngăn chặn tình trạng suy giảm lực lượng lao động nghiêm trọng.

Cải thiện giáo dục nông thôn cũng rất quan trọng vì khoảng một nửa số lao động trong tương lai đang đi học ở nông thôn. Sự thiếu hụt trong trình độ học vấn của họ sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Trung Quốc trong nhiều năm tới.

Trung Quốc đang dựa vào robot và tự động hóa để lấp đầy các khoảng trống trong lực lượng lao động, nhưng tốc độ tự động hóa cũng không thể bù lại sự giảm sút trong các loại công việc cụ thể. Mạng lưới an sinh xã hội và các chương trình đào tạo lại sẽ ngày càng quan trọng để giúp mọi người chuyển đổi khi bức tranh việc làm thay đổi.

Một điểm yếu trong nước thứ hai mà Trung Quốc cần giải quyết là việc nước này quá phụ thuộc vào đầu tư và đổi mới kém hiệu quả. Hệ thống tài chính đã phân bổ đầy đủ các nguồn lực cho đầu tư trong giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, nhưng hệ thống do nhà nước chi phối lại không hiệu quả.

Giờ đây, khi Trung Quốc đã đạt mức thu nhập trung bình, họ sẽ cần ít phụ thuộc hơn vào đầu tư và nhiều hơn vào đổi mới và tăng trưởng năng suất.

Nhưng hệ thống tài chính do ngân hàng chi phối thường ưu tiên cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước, vốn kém năng suất và đổi mới hơn so với khu vực tư nhân. Một bằng chứng cho thấy mô hình tăng trưởng cũ dựa nhiều vào đầu tư đang mất dần động lực là tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng vọt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nếu các khoản cho vay tài trợ cho đầu tư sản xuất và tăng trưởng thì tỷ lệ này phải giữ ổn định hoặc tăng chậm.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi lợi tức đầu tư giảm dần, các quốc gia thành công đương nhiên dựa nhiều hơn vào đổi mới như một nguồn tăng trưởng. Trung Quốc có những khoản “đầu vào” ấn tượng dành cho sự đổi mới, với tỷ lệ lớn GDP dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và lực lượng lao động kỹ thuật lớn nhất thế giới. Nhưng kết quả đầu ra, xét về các công ty thành công, bằng sáng chế có giá trị cao và tăng trưởng năng suất, kém ấn tượng hơn.

Chính sách công nghiệp “Made in China 2025” đang cố gắng định hướng sự đổi mới trong 10 ngành công nghiệp chủ chốt. Cách tiếp cận này khó có thể thành công và đã gây ra sự bất đồng lớn giữa các đối tác thương mại. Trung Quốc nên tập trung vào các nền tảng của đổi mới, đó là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR), đầu tư mạo hiểm, các trường đại học, thương mại tự do và các khoản trợ cấp chung cho R&D thay vì nhắm vào các công nghệ cụ thể.

Nền tảng đổi mới mạnh mẽ kết hợp với các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm lượng carbon và cải thiện môi trường sẽ khiến Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu trong các công nghệ mới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Khả năng đáp ứng các mục tiêu kinh tế và xã hội của Trung Quốc cũng sẽ phụ thuộc vào môi trường quốc tế và cấu trúc kinh tế. Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ toàn cầu hóa, nhưng các khía cạnh của trật tự toàn cầu đã lỗi thời và cần được cải cách.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không được trang bị để đối phó với các vấn đề thương mại hiện đại như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hạn chế đầu tư, luồng dữ liệu xuyên biên giới và trợ cấp.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới không thể đồng ý về việc mở rộng nguồn lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vì Mỹ không muốn gia tăng “sức nặng” của Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác trong việc ra quyết định, mặc dù đây là vai trò ngày càng tăng của họ trong nền kinh tế thế giới. Trung Quốc và các nhà tài trợ phương Tây có các chương trình khác biệt và mang tính cạnh tranh nhau để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Việc củng cố các thể chế kinh tế này là cần thiết để nền kinh tế thế giới vận hành trơn tru. Điều này sẽ đòi hỏi những thỏa hiệp thực tế giữa Trung Quốc và Mỹ và nói chung là giữa các nước đang phát triển và các quốc gia tiên tiến. Trung Quốc sẽ cần đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn tương xứng với vị thế cường quốc của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục