Tham vọng 5G của Nhật Bản

05:30' - 20/07/2024
BNEWS Theo trang The Interpreter (Australia), Nhật Bản dường như đang tận dụng Bộ Tứ để theo đuổi tham vọng thúc đẩy các nhà cung cấp mạng 5G trong nước.
Nhóm Bộ Tứ (Đối thoại Tứ giác An ninh), là một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia.

5G, hay còn gọi là “viễn thông tiên tiến” và “công nghệ quan trọng và mới nổi” theo cách nói của Bộ Tứ, là một trong số ít sáng kiến chính sách sẽ được giải quyết tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ, cùng các vấn đề như sáng kiến về sức khỏe và năng lượng sạch.

Nhật Bản đã đi đầu trong nhóm Bộ Tứ với việc coi 5G là một công nghệ quan trọng và là trọng tâm nhất quán của nhóm. Tại sao lại như vậy?

Công nghệ mạng 5G hiện do 4 công ty thống trị. Tại châu Âu, Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan là những nhà cung cấp đáng tin cậy cho nhiều mạng 5G của phương Tây. Đối thủ mà họ phải đối mặt là Huawei và ZTE của Trung Quốc. Bốn công ty này, cùng với thị phần nhỏ hơn của Samsung (Hàn Quốc), cùng nhau kiểm soát hơn 95% thị trường thiết bị mạng 5G toàn cầu.

Thông qua Bộ Tứ, cùng với các tổ chức ngoại giao khác, Nhật Bản đang tìm cách quảng bá “các nhà vô địch quốc gia” về 5G. Các nhà sản xuất thiết bị NEC và Fujitsu, cùng với nhà khai thác mạng di động Rakuten và các hãng khác, đều đang theo đuổi công nghệ Mạng truy cập vô tuyến mở (Open RAN) - công nghệ mà NEC, Fujitsu và Chính phủ Nhật Bản tin rằng sẽ cho phép họ cạnh tranh trong thị trường 5G.

Open RAN là một kiến trúc thay thế cho cái được gọi là kết nối chặng cuối trong các mạng viễn thông – về cơ bản là phần kết nối khách hàng với hệ thống toàn cầu rộng lớn hơn. Mạng RAN truyền thống yêu cầu cùng một nhà cung cấp thiết bị cung cấp bộ phần cứng và phần mềm đầy đủ. Do đó, việc gia nhập thị trường thiết bị RAN truyền thống là vô cùng khó khăn vì các nhà cung cấp đầy tham vọng cần phát triển các giải pháp đầu cuối với chi phí lớn. Open RAN, dưới dạng kiến trúc mạng phân tách, được thiết kế để cho phép nhiều hãng cung cấp các thành phần riêng lẻ vào cùng một mạng. Ví dụ: ăng-ten Fujitsu sẽ hoạt động với phần mềm Rakuten và các trạm gốc của NEC. Do đó, các công ty có thể tập trung vào phát triển các thành phần cụ thể thay vì toàn bộ mạng RAN.

Nhận thấy tiềm năng của Open RAN sẽ tạo cơ hội cho các công ty trong nước, Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần nhấn mạnh công nghệ này trong các cuộc họp và thông cáo của Bộ Tứ. Ví dụ, tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo năm 2023 được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima (Nhật Bản), bốn quốc gia thành viên Bộ Tứ đã tuyên bố họ sẽ hợp tác với Palau để thiết kế và vận hành việc triển khai tiềm năng của Open RAN trong một dự án hiện đại hóa mạng di động quốc gia của Palau, mục đích là để “cho phép lựa chọn nhà cung cấp tốt hơn”.

Thông qua “việc lựa chọn nhà cung cấp”, tuyên bố thực sự muốn nói rằng các nhà lãnh đạo Bộ Tứ muốn có những lựa chọn mới, tốt nhất là từ đất nước của họ. Với bộ công cụ Open RAN, thông qua Bộ Tứ, Nhật Bản hy vọng sẽ khuyến khích các quốc gia khác áp dụng công nghệ này. Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ cũng đã ban hành Báo cáo bảo mật Open RAN, do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ủy quyền và tài trợ, đồng thời được biên soạn với sự hợp tác của các đối tác trong ngành của Nhật Bản, bao gồm cả một nhà khai thác mạng di động. Báo cáo này tích cực một cách đáng ngạc nhiên. Đẩy lùi những lời chỉ trích rằng Open RAN kém an toàn hơn so với mạng RAN truyền thống được tích hợp đầy đủ, báo cáo cho biết các rủi ro không khác biệt đáng kể.            

Các công ty Nhật Bản đang tích cực tìm cách tận dụng sự hỗ trợ của chính phủ. Tại Đại hội Thế giới Di động 2024 ở Barcelona, nhà điều hành mạng lớn nhất Nhật Bản NTT Docomo và công ty công nghệ NEC đã công bố liên doanh để phát triển hoạt động kinh doanh Open RAN, tập trung vào Đông Nam Á và Trung Đông. Liên doanh sẽ ra mắt ba giải đấu quốc tế Open RAN tại Singapore, Philippines và Qatar.

Việc quảng bá Open RAN tại Bộ Tứ không phải là mới. Năm 2022, Bộ Tứ đã thông báo họ sẽ “nâng cao khả năng tương tác và bảo mật thông qua việc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mới về Đa dạng hóa nhà cung cấp 5G và Open RAN”. Tương tự, Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2021 đã nhất trí “hỗ trợ triển khai và đa dạng hóa 5G”, chủ yếu thông qua Open RAN.            

Bên ngoài Bộ Tứ, Thủ tướng Fumio Kishida đã quảng bá công nghệ 5G/Open RAN trong một số bài phát biểu quốc tế nổi bật. Có thể nói, Nhật Bản là động lực của Bộ Tứ trong vấn đề này. Mặc dù Mỹ có một số công ty như Mavenir mà nước này đang tìm cách thúc đẩy thông qua các hành động tương tự như Nhật Bản, song quốc gia Đông Á lại là nước dẫn đầu.            

Liệu Nhật Bản có đạt được thành công trong việc quảng bá “các nhà vô địch” của mình thông qua Bộ Tứ hay không vẫn chưa có câu trả lời, nhưng xem ra nước này không có dấu hiệu từ bỏ.

                                                

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục