Thị trường khách sạn cao cấp vẫn hấp dẫn nhà đầu tư

16:07' - 03/08/2020
BNEWS Các nhà đầu tư vẫn tích cực theo dõi mảng chuyển nhượng thị trường khách sạn cao cấp, nhất là vị trí trung tâm thành phố do sự khan hiếm đất trống để phát triển dự án.

Chuyên gia của Công ty JLL (Jones Lang LaSalle) nhận định, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tích cực theo dõi mảng chuyện nhượng thị trường khách sạn cao cấp. Theo đó, các cơ hội chuyển nhượng trong trung tâm thành phố tiếp tục được tìm kiếm.

Đích ngắm của nhà đầu tư hướng vào khách sạn 4 và 5 sao trong khu vực trung tâm phần lớn do sự khan hiếm đất trống để phát triển dự án.

Đáng chú ý, việc hạn chế về điều kiện cho vay đối với các nhà đầu tư trong nước được dự đoán sẽ thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đổ vào. Điều này đặc biệt đúng với những trường hợp các nhà đầu tư muốn mua cổ phần trong các dự án hiện hữu.

Các chuyên gia bất động sản kỳ vọng, sẽ có nhiều giao dịch từ các công ty nước ngoài, chủ sở hữu dự án bất động sản khác cũng như giao dịch từ dự án khách sạn nhỏ và vừa trên cả nước sau dịch COVID-19.

Thậm chí, sẽ có cả các giao dịch từ chủ sở hữu nhiều loại hình bất động sản thoái vốn khỏi khách sạn sau khi đánh giá các giải pháp tài chính ngắn hạn và giải pháp dòng tiền cho đến khi nhu cầu du lịch, khạch sạn và doanh thu phục hồi.

Trước khi xảy ra dịch COVID-19, giá trị giao dịch chuyển nhượng khách sạn tại Việt Nam năm 2019 khoảng 358 triệu USD; khối lượng giao dịch khách sạn của Việt Nam chiếm khoảng 17% khu vực Đông Nam Á.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thị trường được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam nhưng thị trường lại không ghi nhận cơ hội chuyển nhượng của các dự án đang được sở hữu.

Thị trường ven biển được đánh giá là có nhiều cơ hội đầu tư hơn, điển hình là thương vụ mua bán Khách sạn Sheraton với quy mô 280 phòng tại thành phố Nha Trang.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn luôn được đánh giá là một trong những thị trường đầu tư khách sạn tiềm năng tại Việt Nam nhờ triển vọng về kinh tế và sự tăng trưởng ổn định của ngành du lịch.

Tại Hà Nội, có 2 giao dịch khách sạn đáng chú ý thời gian qua là giao dịch bán cổ phần của khách sạn InterContinetal Hanoi Westlake với 138 phòng và Khu căn hộ dịch vụ Somerset Westlake Hanoi với 90 phòng.

Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, cả 2 thị trường lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều chứng kiến sự sụt giảm chung của chỉ số RevPAR (chỉ số thể hiện mức doanh thu thu được trên số phòng hiện có của khách sạn).

Theo JLL, chỉ số RevPAR toàn thị trường đạt mức tăng trưởng 7,4% mỗi năm trong suốt giai đoạn 5 năm liên tục từ 2014-2019. Đây là kết quả của cả sự tăng trưởng về công suất phòng lẫn giá phòng bình quân.

Nguồn cung khách sạn tăng 7,6% theo năm và tổng lượng khách du lịch cũng tăng trưởng vượt bậc ở mức trung bình 9% mỗi năm. Sự tăng trưởng đồng bộ này đã đem lại kết quả kinh doanh tích cực cho nhóm ngành khách sạn.

Kể từ tháng 5/2020 đến nay, RevPAR tại cả Hà nội lẫn thành phố Hồ Chí Minh đều ghi nhận mức tăng trưởng trở lại. Chỉ số này tại hà nội cao hơn tháng trước đó khoảng 33,4% và cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh 7,1%.

Các chuyên gia cho rằng, các khách sạn ở Hà Nội thu hút nhu cầu du lịch của khách nội địa và khách doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận, nơi ít bị ảnh hưởng do tác động của việc đóng cửa biên giới./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục