Tiền số có giúp NDT cạnh tranh với đồng USD?

05:30' - 30/06/2022
BNEWS Trang Quỹ quốc tế VIF đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu Sauradeep Bag về sức cạnh tranh của đồng nhân dân tệ (NDT) với đồng USD trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy đồng NDT kỹ thuật số.

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang triển khai giải pháp kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính. Trong số các quốc gia Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), 19/20 quốc gia đang thúc đẩy ý tưởng đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), với 16 quốc gia đã trong giai đoạn phát triển. Trung Quốc đang đi đầu trong việc phát triển CBDC với tham vọng lớn là thay đổi hệ thống tài chính toàn cầu.

CBDC là gì?

CBDC là một mã thông báo kỹ thuật số hoạt động như một phiên bản kỹ thuật số của tiền mặt hoàn toàn do ngân hàng trung ương phát hành và đảm bảo. Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang thử nghiệm ý tưởng dùng CBDC để phát triển các chính sách tài khóa và tiền tệ trực tiếp, thúc đẩy sự bao trùm tài chính bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận tiền tệ và thiết lập sự cạnh tranh trên thị trường nội địa. 

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đi đầu trong việc phát triển CBDC kể từ năm 2014, và đồng NDT kỹ thuật số có thể cho phép Trung Quốc quốc tế hóa đồng NDT và phá vỡ quyền bá chủ của đồng USD.

Quyền lực tối cao của đồng USD

Hệ thống Bretton Woods thành lập năm 1944, đã mở đường cho sự nổi lên của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế của thế giới. Do đó, các nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính trở nên gắn kết với đồng USD và nền kinh tế Mỹ. Ngày nay, mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất thế giới, nhưng đồng NDT chiếm chưa đến 2% tiền dự trữ của thế giới. Chênh lệch giữa thương mại và tiền tệ trong nền kinh tế toàn cầu gây ra mối lo ngại lớn đối với Trung Quốc.

Ảnh hưởng của đồng USD trên thị trường toàn cầu có thể cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc bằng cách tách họ ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu. Một số lượng đáng kể các giao dịch thanh toán trên thế giới sử dụng đồng USD, giúp Mỹ có ưu thế trong việc kiểm soát các giao dịch xuyên biên giới một cách thụ động. 

Sự phát triển đồng NDT kỹ thuật số

PBoC đã tạo ra dịch vụ Thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) năm 2015 để thách thức hệ thống thanh toán toàn cầu do đồng USD thống trị. Được chấp nhận bởi các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn, bao gồm Citibank, HSBC và JPMorgan Chase, CIPS tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch bằng NDT trên toàn cầu. 

Nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT này có những hạn chế vì CIPS chỉ có 1.300 chủ thể tham gia so với Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) có 10.000 chủ thể tham gia. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng CIPS và SWIFT có chức năng khác nhau. SWIFT không di chuyển bất kỳ khoản tiền nào mà chỉ đơn giản là một hệ thống nhắn tin bảo mật cho phép các ngân hàng kết nối với nhau. Mặt khác, CIPS là một cơ chế thanh toán bằng đồng NDT tương tự như Hệ thống thanh toán liên ngân hàng (CHIPS) của Mỹ, sử dụng mạng SWIFT thanh toán các giao dịch bằng USD.

Để đạt được mục tiêu trong Quy hoạch 5 năm tiêu chuẩn hóa tài chính mới nhất (2021-2025) được ban hành đầu năm 2022, Trung Quốc phải tăng cường mạng lưới và sự hiệu quả của CIPS để cải thiện hơn nữa khả năng quốc tế hóa đồng NDT. Quan trọng hơn, Trung Quốc phải thực hiện những thay đổi cơ cấu kinh tế để đưa NDT trở thành tài sản an toàn được quốc tế công nhận và củng cố tỷ trọng đồng NDT trong tổng dự trữ toàn cầu. Đồng NDT đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thêm vào rổ Quyền rút vốn đặc biệt vào năm 2016.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI)

Tiến trình quốc tế hóa đồng NDT cũng rất quan trọng đối với sự thành công của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, một kế hoạch chiến lược nhằm kết nối các hành lang kinh tế chính ở châu Á, châu Âu và châu Phi bằng các cơ hội thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và gần 70 quốc gia khác.

BRI đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế tham gia và tạo thêm thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc. Một phần đáng kể của các khoản đầu tư trong BRI là phát triển các dự án cơ sở hạ tầng - đường cao tốc, mạng lưới đường sắt, cảng vận tải biển và khu công nghiệp.

Ngoài việc phát triển quyền lực mềm ở một số quốc gia, BRI cho phép Trung Quốc phát hành nợ bằng đồng NDT và phổ biến việc sử dụng đồng tiền này khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.

Tuy nhiên, kể từ khi BRI ra đời, USD vẫn là đơn vị tiền tệ chính trong các dự án đầu tư, đồng NDT chỉ 14% tổng số khoản cho vay. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á cần 26.000 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong thập kỷ tới và Trung Quốc có vị trí duy nhất để thực hiện các khoản đầu tư này. Đồng NDT kỹ thuật số cho phép Trung Quốc phát hành thêm nợ bằng đồng NDT và tăng cường mạng lưới và cơ chế trả nợ. 

Trung Quốc đang nỗ lực hướng tới việc tăng mức sử dụng NDT cho các dự án BRI. Ví dụ, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất với 25 quốc gia tham gia BRI và có các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 20 quốc gia. Ngoài ra, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đang phát hành trái phiếu mệnh giá NDT ra nước ngoài để tài trợ cho các dự án BRI. 

Một con đường khác để mở rộng quốc tế hóa đồng NDT là cho vay nợ ở châu Phi. Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của các nước châu Phi như Zambia và Djibouti, điều này thúc đẩy các nước này tích trữ đồng NDT kỹ thuật số để trả các khoản vay. Ngoài ra, CBDC làm tăng hiệu quả của các giao dịch xuyên biên giới, làm cho đồng NDT kỹ thuật số trở nên lý tưởng cho việc chuyển tiền ở châu Phi.

Triển vọng của đồng NDT kỹ thuật số

Mặc dù có những lợi thế như vậy, sự thiếu tin tưởng vào đồng NDT có lẽ là thách thức quan trọng nhất đối với quá trình quốc tế hóa của NDT. Cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và đại dịch khiến thế giới phân cực hơn nữa và tạo ra thêm rào cản đối với đồng NDT.

Tuy nhiên, BRI vẫn có thể là chất xúc tác cho đồng NDT kỹ thuật số ở một số quốc gia châu Á và châu Phi. Sự tăng trưởng của đồng NDT kỹ thuật số cũng phụ thuộc vào việc các quốc gia trên thế giới có chấp nhận CBDC hay không và cách họ tích hợp CBDC và thay đổi hệ thống tài chính thông thường.

Đồng NDT và USD có sự khác biệt cơ bản định hình việc sử dụng các đồng tiền này trong giao dịch quốc tế. Đồng USD chủ yếu được định hướng theo thị trường, trong khi NDT được định hướng bởi chính phủ hoặc nhà nước. Hệ thống tài chính của Trung Quốc có nhiều điểm hạn chế và bị ảnh hưởng của hệ thống kinh tế và chính trị.

Mặc dù tỷ lệ sử dụng thấp trên toàn cầu, Trung Quốc vẫn dẫn đầu cuộc đua nghiên cứu và triển khai CBDC. Đồng NDT kỹ thuật số có thể chưa phải là một loại tiền tệ quốc tế nhưng chắc chắn đang tăng trưởng tốt ở Trung Quốc. Việc sử dụng đồng NDT kỹ thuật số trong nước có thể có tác động lan tỏa vì Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và cũng là đối tác thương mại lớn nhất thế giới.

Đồng NDT kỹ thuật số có thể được coi là một mối đe dọa đối với quyền bá chủ của đồng USD hoặc là một sự thay thế cho hệ thống tài chính toàn cầu do đồng USD thống trị. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của đồng NDT kỹ thuật số, nhưng đây có thể là những kinh nghiệm cho các chính phủ trên thế giới đang phát triển CBDC.

Ví dụ, người dân có thể thực hiện các giao dịch bằng đồng NDT kỹ thuật số mà không cần kết nối Internet, điều này có thể hữu ích cho các chương trình phát triển CBDC ở những khu vực không có cơ sở hạ tầng Internet./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục