Trì trệ dự án nhà ở cho cán bộ, công chức tại Tp. Hồ Chí Minh

17:10' - 20/06/2016
BNEWS Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có chủ trương chấp thuận cho một số đơn vị tham gia làm dự án nhà ở.

Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có chủ trương chấp thuận cho một số đơn vị tham gia làm dự án nhà ở.

Thế nhưng, vì trình độ quản lý yếu kém, năng lực tài chính hạn hẹp, nhiều dự án nhà ở đã bị “chôn vùi” trong nhiều năm qua, gây lãng phí và bức xúc dư luận.

*15 năm làm thủ tục

Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tại phường Phú Hữu, quận 9 (gọi tắt là dự án 245) có quy mô trên 80 ha. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2001 – 2009), dự án do Công đoàn Đại học Quốc gia làm chủ đầu tư, Công ty EDICO làm chủ nhiệm điều hành dự án; thực hiện các thủ tục nhằm ghi nhận địa điểm thực hiện, chấp thuận chủ trương làm dự án và ký 1.065 hợp đồng góp vốn mua nền, sang nhượng 145 hợp đồng về quyền sử dụng đất…

Sau hơn 10 năm lo thủ tục, dự án nhà ở ĐHQG Tp. HCM vẫn đang là bãi đất trống, thi công hệ thống cấp thoát nước. Ảnh: Trần Xuân Tình-TTXVN

Do có khiếu kiện nên dự án phải tạm ngưng, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận.

Thực hiện đề nghị của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án được bàn giao về cho Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.

Giai đoạn 2 (từ năm 2009 – 2013), Ban Quản lý dự án 245 làm đại diện cho chủ đầu tư trước khi có quy hoạch 1/500.

Đây là giai đoạn thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ như rà soát các hợp đồng gốp vốn, loại bỏ 34 hợp đồng không hợp lệ, trùng lặp và còn lại hơn 1.000 hợp đồng; trong đó, có 971 trường hợp được ký lại hợp đồng (mua 1 nền), 249 hợp đồng còn lại (tương ứng 342 nền) phải trả lại tiền cho người mua do mua trên 2 nền, giải phóng mặt bằng các hộ còn lại…

Giai đoạn 3 (từ năm 2014 đến nay), sau khi có quy hoạch chi tiết 1/500, Ban Quản lý dự án 245 đã ký hợp đồng liên kết với EDICO, bàn giao 15ha cho EDICO, gia hạn nộp gần 96,5 tỷ đồng tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, kết nối giao thông, kêu gọi đầu tư dự án thành phần, ký kết lại hợp đồng với người góp vốn. Hiện nay, ranh giới dự án đã được rào chắn, cắm mốc, đang thi công đường trục H và F.

Dự kiến trong quý I/2017 sẽ quyết toán chi phí đầu tư dự án để đến quý II/2017 bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý và cấp sổ đỏ, bàn giao nền cho người góp vốn.

Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1.263 tỷ đồng, do cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh góp vốn và chỉ phục vụ cán bộ, giảng viên của trường.

Kết luận Thanh tra Chính phủ nêu rõ sai phạm của Công đoàn Đại học Quốc gia thành phố là không đủ năng lực, thẩm quyền và trách nhiệm).

Kể từ ngày 5/7 đến ngày 22/8/2011, đã ký kết 1.065 “Hợp đồng trách nhiệm” về việc góp vốn đầu tư và mua bán nền với 1.343 lô đất có tổng diện tích hơn 343.000m2 (tổng thu 366,5 tỷ đồng); trong đó, có tới 516 hợp đồng là người ngoài Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Theo hợp đồng liên kết thì EDICO góp vốn đầu tư 15/80ha, Công đoàn Đại học Quốc gia thành phố đầu tư 65/80ha.

Thế nhưng cũng chỉ vì 15ha này mà dự án đã kéo dài qua nhiều năm. Phía Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc EDICO đơn phương xin tách 15ha để làm dự án độc lập thể hiện sự không tôn trọng, đồng thời EDICO chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư theo hợp đồng liên kết.

Trong khi quy hoạch 1/500 của dự án chưa được phê duyệt thì EDICO đã hợp tác với công ty môi giới bất động sản, rao bán đất nền dự án quy mô hơn 80 ha, với giá 1,6 triệu đồng/m2 để hưởng chênh lệch 11 tỷ đồng.

Riêng về diện tích 15ha này, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trước khi ký hợp đồng với EDICO, Công đoàn Đại học Quốc gia thành phố đã ký nhiều hợp đồng để góp vốn đầu tư, mua đất nền và đã phân phối hết diện tích đất ở.

Do đó, thực tế EDICO không còn điều kiện để thực hiện việc góp vốn đầu tư trên diện tích 15/80ha như đã ghi trong hợp đồng. Đây là nguyên nhân khiến EDICO khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ.

Đến năm 2014, UBND Tp. Hồ Chí Minh ra quyết định điều chỉnh giao đất cho Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh phần còn lại tương đương với hơn 630.000m2, trên cơ sở khấu trừ diện tích đã giao làm tái định cư dự án và 150.000m2 cho EDICO.

Chị Lê Thị Kim Phương, người góp vốn cho biết, năm 2001, chị có mua nền đất 200m2 tại dự án với đơn giá 750.000 đồng đến 810.000 đồng/m2, lần lượt đóng tiền trong các năm 2001, 2003 và 2004.

Việc tham gia vào dự án này đã khiến gia đình chị mất ăn mất ngủ, mất thời gian và công sức đi lại chất vấn, họp hành.

Dự án Thái Sơn 2 bị "treo" hơn 10 năm. Ảnh: Trần Xuân Tình-TTXVN

Nhưng hơn 10 năm qua, không riêng gì chị mà hàng trăm người khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự, khi mà các lần thông báo góp vốn tiếp theo, giá mỗi m2 đất đã được đẩy lên cao gấp 2 đến 3 lần.

Đấy là chưa kể những người góp vốn mua hơn 2 nền đã bị cắt để bàn giao 15ha cho EDICO.

“Theo hợp đồng góp vốn được ký lại mới đây, Ban Quản lý dự án đã đẩy giá lên 2,83 triệu đồng/m2; trong đó, bao gồm chi phí trả tiền gốc và lãi suất cho người góp vốn mua trên 1 nền. Như vậy là không công bằng, thiệt thòi cho chính những người góp vốn mua 1 nền”, ông Đỗ Văn Quý, một người góp vốn mua nền dự án cho biết.

Hiện tại, dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn.

Mới đây, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đã xin phép Thủ tướng Chính phủ tự tìm kiếm nhà đầu tư khai thác quỹ đất chung cư, thương mại để lấy kinh phí bù đắp thiếu hụt xây dựng hạ tầng.

Theo lý giải của trường, hiện tại, cán bộ, giảng viên và người góp vốn vào dự án chỉ để nhận nền nhà chứ không để triển khai các dự án thành phần.

Trong khi đó dự án kéo dài hơn 10 năm, giá cả thị trường bất động sản biến động, suất đầu tư hiện tại tăng gấp 3 lần so với trước đây. Thành phố cũng đã gia hạn nộp tiền sử dụng đất cho dự án (gần 96,5 tỷ đồng).

* Không biết đất ở đâu

Thêm một trường hợp khác. Tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh, Công ty Thái Sơn (nay là Tổng Công ty Thái Sơn – Thái Sơn Group - Bộ Quốc phòng) đang triển khai 2 dự án nhà ở là Phước Kiển 1 (còn gọi là Thái Sơn 1) và Phước Kiển 2 (Thái Sơn 2).

Dự án Thái Sơn 1 là Khu nhà ở cho chiến sĩ và gia đình thân nhân cán bộ chiến sĩ đang công tác tại Thái Sơn Group, với quy mô 436 căn biệt thự.

Tháng 12/2001, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Đến tháng 3/2002, UBND Tp. Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty Thái Sơn.

Do việc thực hiện dự án chậm (hơn 10 năm) nên tháng 1/2014, UBND thành phố ra thông báo yêu cầu Công ty Thái Sơn khẩn trương tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại, tương đương với hơn 14.000m2 để hoàn tất các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bàn giao cho các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật trong quý I/2014.

Tuy nhiên đến nay, mặc dù dự án đã xây dựng xong cơ bản đường nội bộ nhưng vẫn chỉ là những ô bãi đất trống, nhiều người tận dụng làm bãi tập ô tô.

Trong thời gian chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cán bộ, chiến sĩ và thân nhân gia đình chiến sĩ đã bán lại cho đối tượng bên ngoài với 304/373 nền.

Hiện nay các hộ dân mua nền đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa được xây dựng nhà ở trên đất.

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Kim Thọ, Phó Tổng Giám đốc Thái Sơn Group cho biết, dự án Thái Sơn 1 hiện được rút về Thái Sơn Group quản lý trực tiếp vì trước đó các đơn vị thành viên quản lý chưa tốt.

Công tác đền bù giải tỏa phần còn lại sẽ được thực hiện từ nay cho đến tháng 9/2016.

Nếu không thương thảo được giá với cư dân, thì Thái Sơn Group sẽ điều chỉnh ranh giới dự án.

Công tác bàn giao hạ tầng, cấp phép xây dựng sẽ được thực hiện đến tháng 3/2017 và để đến cuối tháng 9/2017 sẽ cấp sổ đỏ cho khách hàng.

Trong khi đó, dự án Thái Sơn 2 cũng lặp lại tình cảnh tương tự. Năm 2005, Công ty Thái Sơn xin UBND huyện Nhà Bè chấp thuận địa điểm đầu tư dự án khu dân cư cho cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan tại xã Phước Kiển với diện tích hơn 303.000m2 và được thỏa thuận sơ bộ quy hoạch chi tiết 1/500.

Mặc dù chưa được UBND thành phố chấp thuận địa điểm đầu tư nhưng các đơn vị trực thuộc Thái Sơn Group trước đây đã huy động vốn của khách hàng, tiến hành thủ tục bốc thăm, đồng thời nhận biên bản bàn giao mã số lô đất dưới dạng hợp đồng góp vốn đầu tư để nhận nền nhà xây dựng nhà ở với giá 2,5 triệu đồng/m2 (140m2/nền).

Bà Ngô Đỗ Thị Quyên, một khách hàng góp vốn cho biết, năm 2009, bà Quyên đã đóng 210 triệu đồng (tương đương 60% giá trị hợp đồng góp vốn) và đang chờ đóng tiếp để hoàn tất hợp đồng góp vốn (350 triệu đồng). Tuy nhiên, sau lần đóng tiền đầu tiên đến nay, đã hơn 7 năm trôi qua, bà vẫn chưa thấy mặt mũi lô đất Y29 nằm ở đâu cũng như không thấy Công ty Thái Sơn thông báo góp vốn tiếp.

Phản hồi thông tin này, Đại tá Nguyễn Kim Thọ cho biết, sẽ triển khai tiếp dự án Thái Sơn 2 sau khi hoàn thành xong dự án Thái Sơn 1 đồng thời sẽ xin thủ tục làm lại từ đầu. Vướng mắc hiện nay là chỉ mới đền bù được 1/3 mặt bằng.

Do thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vào thời điểm bất động sản sốt rồi đóng băng, nên hiện nay nếu thực hiện tiếp dự án thì sẽ buộc phải nâng mức góp vốn của khách hàng.

Trong trường hợp khách hàng nào đã góp tiền, không muốn tiếp tục thực hiện dự án nữa thì Thái Sơn Group sẽ trả lại tiền cộng với lãi suất ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục