Trung Quốc: Hòn đá tảng của tham vọng "Made in China" (Phần 1)

06:03' - 05/03/2019
BNEWS Chiến lược Made in China 2025 được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình, đây là một phần trong gói kế hoạch của ông Tập nhằm tạo ra mô hình kinh tế bền vững.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN 

“Made in China 2025” (MIC2025) là kế hoạch nâng cấp khả năng sản xuất và đảm bảo tính cạnh tranh của Trung Quốc bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại như sử dụng người máy, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và Internet. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa các lĩnh vực công nghiệp và các sản phẩm của kế hoạch này vào trọng tâm của cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước.

* Nhượng bộ để làm giảm sức ép thương mại?

Mặc dù báo chí chính thức của Trung Quốc đã giảm bớt lời ca ngợi kế hoạch MIC2025 kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng ít có khả năng Bắc Kinh thực sự lùi bước trong kế hoạch nâng cấp công nghiệp quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc này.

Trái lại, sức ép từ bên ngoài - đặc biệt là đe dọa trừng phạt từ Mỹ đối với những sản phẩm công nghiệp và công nghệ chủ chốt - sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường rót vốn và quản trị vào thúc đẩy nâng cấp công nghệ và "tự cung tự cấp" cho các ngành công nghiệp chiến lược của mình.

Ngoài vấn đề giảm thâm hụt thương mại, chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump thực sự nhắm mục tiêu vào việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc như một đối thủ mạnh, và bởi vậy chính sách Mỹ-Trung đang chứa đựng những điều tương tự như một cuộc xung đột kinh tế.

Những yêu cầu của Tổng thống Trump, được Đại diện thương mại của Mỹ đưa ra, yêu cầu Trung Quốc cắt giảm sự hỗ trợ của nhà nước cho các ngành  công nghệ cao, chấm dứt việc ép buộc các công ty nước ngoài chia sẻ những công nghệ quan trọng, chính yếu với các doanh nghiệp Trung Quốc (và việc bảo vệ IP), dỡ bỏ hạn chế quyền sở hữu vào những đầu tư sắp tới, mở cửa hơn nữa cho hàng hóa và dịch vụ nước ngoài vào Trung Quốc, từ bỏ mục tiêu "tự cung tự cấp" trong những lĩnh vực công nghệ chủ chốt và các sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Để thúc đẩy những bước tiến này, Chính phủ Mỹ đã tăng 10-25% thuế đánh vào lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, siết chặt kiểm soát đối với đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ và đưa ra lệnh trừng phạt xuất khẩu đối với một số công ty công nghệ của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đã được cảm nhận rõ với nhiều công ty đa quốc gia di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, đe dọa nền kinh tế hiện nay của Trung Quốc và kế hoạch nâng cấp công nghệ của nước này. Nếu cuộc tranh chấp thương mại leo thang, Trung Quốc có thể làm hạ nhiệt bằng cách rút lại những mục tiêu "tự cung tự cấp" của mình, cải thiện việc bảo vệ đối với vấn đề bản quyền, nghiêng sang phía “sân chơi” giúp đỡ các công ty tư nhân trong nước và công ty nước ngoài hơn là đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, rất ít khả năng Bắc Kinh sẽ từ bỏ MIC2025 hoàn toàn. Thay vào đó, Trung Quốc có thể đưa ra một chiến lược quốc gia mới cho phát triển công nghệ dưới một tên mới, chủ yếu là một kế hoạch B của MIC2025. Không may cho Trung Quốc là những chỉnh sửa của họ đã không làm hài lòng giới bài Trung Quốc tại Mỹ.  Thắt chặt việc hạn chế tiếp cận công nghệ của Mỹ đã được tăng cường, và nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên như vậy trong dài hạn.

Thiệt hại tiềm tàng đối với tương lai công nghiệp của Trung Quốc khó mà định lượng được, nhưng đây là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc. Nếu Chính phủ Mỹ đưa ra thêm những quy định thắt chặt hơn nữa đối với các sinh viên Trung Quốc và các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại trường đại học Mỹ, hoặc ngăn chặn sự trao đổi tương tác giữa các nhà khoa học của hai nước, hoặc hạn chế việc mua lại các công ty khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon của các quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, thì tốc độ gia tăng hiểu biết công nghệ tại Trung Quốc có thể bị chậm lại đáng kể.

Ngược lại, phía Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Việc đưa “người khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei ra khỏi danh sách các nhà cung ứng tiềm năng cho công nghệ 5G, một phần quan trọng thiết yếu trong xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số, khiến việc triển khai 5G chắc chắn sẽ tốn kém hơn, diễn ra lâu hơn và làm Mỹ bị yếu đi trong cuộc chạy đua hướng tới lĩnh vực sản xuất "thông minh", chưa kể đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng "thông minh".

Về phía Trung Quốc, kế hoạch MIC2025 nhiều khả năng sẽ biến hóa nhằm che đậy tham vọng thay thế nhập khẩu của nước này, và những mục tiêu kiểm soát bản quyền, tập trung chủ yếu nâng cấp công nghiệp và phát triển các công nghệ đặc thù.

Những mục tiêu “tự cung tự cấp" có thể trở thành những mục tiêu "bên trong" chỉ được biết đến giữa giới chức trong nước và những nhà sản xuất chính, và mục tiêu này sẽ bị làm cho mờ đi, phản ánh trong lộ trình dài hạn của phát triển công nghệ. 

Điều này cũng sẽ tạo thêm khoảng không cho các nhà sản xuất nước ngoài thu được lợi ích từ những phát triển của Trung Quốc. Ưu tiên cao nhất trong mục tiêu "tự cung tự cấp" sẽ vẫn được duy trì đối với lĩnh vực cơ điện tử. Mặc dù có thể thời hạn cho lĩnh vực này sẽ không đạt được như đặt ra ban đầu, trong bối cảnh công nghệ đóng vai trò trung tâm trong lĩnh vực công nghiệp, và với thực tế Trung Quốc hiện đang chịu những thắt chặt của nước ngoài trong lĩnh vực này.

Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc giảm bớt mức độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước. Và những điều chỉnh này có thể đã diễn ra từ phía Trung Quốc.

Trong bối cảnh leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) Miêu Vu và các quan chức cấp cao khác của Chính phủ Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ "đối xử công bằng" với tất cả các loại hình doanh nghiệp - kể cả các công ty nước ngoài - trong khi thực hiện kế hoạch MIC2025.

"Đối xử công bằng" bao gồm việc bình đẳng tiếp cận với các hoạt động đấu thầu của chính phủ, hỗ trợ và các nguồn thông tin.

Mặc dù một số ý kiến tỏ ra hoài nghi về những lời hứa hẹn này, sự cần thiết của việc ngăn chặn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trước nguy cơ phá hoại chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh đưa ra những cam kết đặc biệt nghiêm túc. Một trong những bước đi chính để tiến tới đối xử công bằng, Bắc Kinh đã nới lỏng những hạn chế về quyền sở hữu đối với đầu tư của các tập đoàn nước ngoài tại Trung Quốc.

Chẳng hạn việc cho phép Tesla, BASF và Exxon Mobil xây dựng những nhà máy mới do các công ty này sở hữu toàn bộ, và để cho BMW mua phần lớn cổ phần tại  China JV Brilliance Automotive.

Tăng sở hữu tại các chi nhánh của các tập đoàn nước ngoài tại Trung Quốc sẽ làm giảm bớt một số mối quan tâm về việc bắt buộc chuyển giao công nghệ. Chính quyền cũng đưa ra đề xuất về lệnh cấm việc "bắt buộc chuyển giao công nghệ" trong bản dự thảo mới đây về Luật đầu tư nước ngoài do Quốc hội Trung Quốc đưa ra.

Tuy nhiên, việc đi đến thỏa thuận cải cách hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc dường như khó khăn hơn, những hỗ trợ hiện nay của chính phủ là vô cùng to lớn. Toàn bộ hỗ trợ của chính phủ lên tới khoảng 118 tỷ USD trong năm 2017, chiếm khoảng 4% trong tổng chi của chính phủ và tương đương 1% GDP.

Vấn đề phức tạp hơn ở chỗ phần lớn các hỗ trợ của chính quyền địa phương gắn với mục đích hàng đầu là giữ các doanh nghiệp địa phương hoạt động, cùng với vấn đề việc làm và đóng thuế. Nếu mục đích hàng đầu của việc hỗ trợ là giúp cho công tác nghiên cứu và phát triển, hay sáng tạo, thì những cắt giảm này sẽ dễ thực hiện hơn.

Bên cạnh việc Mỹ yêu cầu xóa bỏ trợ cấp, Trung Quốc có thể đang tính đến việc tự đưa ra sáng kiến trong lĩnh vực này. Nợ của chính quyền địa phương cao và vượt quá khả năng chi trả đã khiến  phần lớn những khoản vay hỗ trợ không thể thu hồi được, bởi vậy việc cắt giảm là hợp lý.

Do hạn chế, nguồn tài chính sẽ tập trung vào những ngành công nghiệp quan trọng nhất như cơ - điện tử, người máy và dược phẩm, trợ giúp của chính phủ đối với những ngành công nghiệp ít mang tính chiến lược sẽ giảm bớt. Một lựa chọn khác nữa là cho phép các nhà sản xuất máy móc và thiết bị nước ngoài cũng được quyền tiếp cận nguồn hỗ trợ của chính phủ. Ngành tự động hóa là một trong những ngành đầu tiên sẽ được hưởng quyền ưu đãi này.

Theo Financial Times, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay và những điểm được đề cập trong chiến lược MIC2025 chỉ là một phần trong cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa hai cường quốc. Trung Quốc không thể và sẽ không thực hiện toàn bộ những thay đổi mà Mỹ yêu cầu, nhưng dường như cả ông Tập Cận Bình và ông Trump đều có ước muốn chính trị là đạt được một “thỏa thuận”. Do vậy, những nhượng bộ sẽ được thực hiện và sức ép thương mại sẽ dần dần nới lỏng trong thời gian tới, nhưng đối chọi giữa hai siêu cường quốc thì sẽ vẫn còn tồn tại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục