Trung Quốc: Mô hình tăng trưởng nhờ chính sách kích thích đã đến bước ngoặt

05:30' - 20/07/2022
BNEWS DDể ứng phó với dịch bệnh và triển vọng kinh tế suy yếu, cũng như ổn định những biến động do xung đột Nga-Ukraine, tháng 4/2022, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành 33 biện pháp ổn định tăng trưởng.

Đây là các chính sách tài khóa tích cực, chính sách tiền tệ mở rộng giúp ổn định đầu tư và thúc đẩy tiêu dùng, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh năng lượng, bảo đảm ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, bảo đảm nhu cầu cơ bản dân sinh. 

Tính đến nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã phát hành 4.040 tỷ NDT (khoảng 598 tỷ USD) trái phiếu chính quyền địa phương để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Đầu tháng Sáu, nước này lại tuyên bố điều chỉnh tăng 800 tỷ NDT hạn mức tín dụng cho các ngân hàng chính sách. Đến nay, quy mô phát hành trái phiếu và quy mô huy động vốn ròng của chính quyền địa phương đều ghi nhận mức phát hành nửa năm cao nhất trong lịch sử.  

Mặc dù mục tiêu “ổn định tăng trưởng, ổn định việc làm, ổn định vật giá” có đạt được hay không vẫn phải chờ thực tế kiểm nghiệm, nhưng đây có lẽ cũng là "nước cờ lớn" sau cùng trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ chính phủ khóa này.

* Hạn chế của chính sách kích cầu

Hoạt động kinh tế là một quá trình cân bằng động của sản xuất, lưu thông và tiêu thụ, kích thích tăng trưởng kinh tế là đề tài quan trọng của nghiên cứu kinh tế. Trong lịch sử, học thuyết Keynes đã đóng một vai trò to lớn trong tăng trưởng kinh tế Mỹ, đặc biệt những chính sách kích thích để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế năm 1929 của Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt, phục hồi kinh tế sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chính sách mới về tin học hóa của Tổng thống Bill Clinton trong thập niên 1990… đều phát huy tác dụng quan trọng. Trong hơn 40 năm sau cải cách mở cửa, Trung Quốc cũng đã nhiều lần thử nghiệm thành công, phát huy tác dụng “tiếp tục cất cánh” vào những thời điểm then chốt.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của chính sách kích thích kinh tế phụ thuộc vào "thể trạng" của nền kinh tế. Nếu "sức khỏe" và tiềm lực phát triển của nền kinh tế vẫn còn mạnh, thì việc kích thích thực sự có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế. Ngược lại nếu nền kinh tế không đủ "khỏe", tiềm lực phát triển yếu, thì việc kích thích thực sự sẽ làm cạn kiệt tiềm lực phát triển cuối cùng của nền kinh tế, sau đó đẩy nhanh suy thoái kinh tế.

Khi nền kinh tế liên tục lao dốc, giới hoạch định chính sách rất khó thực hiện những đột phá về chế độ, khoa học công nghệ trong thời gian ngắn, trong khi thông qua các chính sách như tài khóa và tiền tệ có thể tạo ra hiệu quả tức thời nhanh chóng đối với kích thích nền kinh tế.

Lúc này, Trung Quốc đối diện với hai kịch bản: Một là không gian tiềm lực phát triển của nền kinh tế khá lớn, chính sách tài khóa và tiền tệ có thể giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong ngắn hạn, từ đó đạt được mục đích của chính sách kinh tế; Hai là không gian tiềm năng phát triển của nền kinh tế khá nhỏ, chính sách tiền tệ và tài khóa có thể kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ xuất hiện tình trạng lợi ích biên suy giảm, hiệu quả chính sách bị “thụ động hóa”, thậm chí sẽ khiến cho tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi.

Hiện nay, kinh tế toàn cầu đang xuất hiện vấn đề tương đối lớn, phần lớn chính sách kinh tế của nhiều nước là chính sách tiền tệ và tài khóa trực tiếp. Tuy nhiên, thực tế chứng minh những chính sách này dường như chỉ giải quyết khó khăn trước mắt mà không tính đến hậu quả lâu dài, càng kích thích kinh tế thì tình hình càng xấu đi, cuối cùng dẫn đến mặt trái của mục tiêu chính sách. Nhà đầu tư nổi tiếng Charlie Munger đã nhiều lần đưa ra cảnh báo và phản đối chính sách kích thích kinh tế. 

Đối với tăng trưởng trong tương lai, các chính sách kinh tế cần kéo dài khoảng cách tiêu cự của quyết sách, cần tăng cường tính hợp lý và sự chắc chắn để đối phó ổn định với các biến động ngắn hạn khác nhau, đặc biệt cần phải thoát khỏi khuôn mẫu tư duy của chính sách kích thích. Trong giai đoạn tới, Trung Quốc cần xác lập hệ thống quản trị hiện đại của quốc gia, xây dựng mô hình tăng trưởng bền vững và lành mạnh hơn, mô hình tăng trưởng truyền thống “cỗ xe tam mã” (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư) thúc đẩy cần có sự điều chỉnh thực chất.

Trước hết, chính sách kích thích chủ yếu thể hiện ở lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, bản thân đầu tư không phải là mục đích, không phải quy mô càng lớn càng tốt. Các hoạt động đầu tư trong tương lai cần phải chính xác hơn, căn cứ vào tính toán và đánh giá khoa học quy mô, dự án, ngành nghề và phương hướng đầu tư để kiểm soát hợp lý nhịp độ đầu tư, tránh lãng phí nguồn vốn và hình thành tài sản nhàn rỗi. Chính xác và hiệu quả vừa là nhu cầu nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời cũng là yêu cầu về tiêu chuẩn xanh, ít cacbon của quan điểm phát triển mới. 

* Tình hình Trung Quốc

Ngoài ra, chính sách kích thích cũng thể hiện ở lĩnh vực tiêu dùng. Biện pháp kích thích tiêu dùng cải cách phía cung truyền thống cũng đã xuất hiện dấu hiệu giảm sút hiệu quả, cần phải xác định mục tiêu, dẫn dắt cải cách phía cầu, đồng thời thúc đẩy cải thiện nội hàm của nhu cầu xã hội. Trong đó, vấn đề then chốt nhất là phải xem xây dựng chế độ trên lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ là đột phá khẩu của bước cải cách tiếp theo. 

Để thúc đẩy xây dựng xã hội loại hình học tập, thúc đẩy nâng cao trình độ tố chất toàn dân, Trung Quốc có thể xem xét thiết kế một chế độ an sinh xã hội, chế độ khuyến khích gắn liền với trình độ giáo dục, đánh giá kiến thức và kỹ năng liên quan, giúp nhu cầu giáo dục xã hội dưới các hình thức khác nhau trở thành điểm nóng tiêu dùng mới.

Về phương diện chính sách khoa học công nghệ, ngay từ trước năm 1945, Mỹ đã có “Khoa học: Biên giới vô tận”, “Khoa học trong lợi ích quốc gia” năm 1994 và chiến lược phát triển khoa học công nghệ mang tính hệ thống “Khởi động tương lai của chúng ta – Hướng tới chính sách khoa học quốc gia mới” do Quốc hội ban hành năm 1998. Những năm gần đây, Trung Quốc cũng có chiến lược “Sáng tạo thúc đẩy phát triển” và “động lực kép”, đồng thời cuối năm 2021 đã ban hành “Kế hoạch cải cách thể chế khoa học công nghệ 3 năm” nhằm nhanh chóng đảo ngược cục diện nhiều lĩnh vực công nghệ cao phụ thuộc vào nước khác.

Tuy nhiên, tình hình của Trung Quốc vẫn không mấy lạc quan, về tổng thể hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản tụt hậu, thiếu các thành tựu đổi mới mang tính nguồn gốc. Phân công lao động trong chuỗi sản xuất, chuỗi công nghệ và chuỗi giá trị nhìn chung ở phân khúc thấp, các vấn đề và khiếm khuyết vẫn như cũ, không đạt được sự đột phá mang tính thực chất trong nhiều năm.

Đánh giá tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay và đối chiếu với cục diện thay đổi 100 năm của môi trường quốc tế, chu kỳ lớn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đến. Mô hình tăng trưởng dưới sự thúc đẩy của chính sách kinh tế mang tính kích thích đã đến bước ngoặt, các nhà kinh tế cần khởi động một tư duy lịch sử và triết học sâu sắc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục