Trước thềm bầu cử Mỹ : Thách thức đối với khu vực Đông Nam Á

06:30' - 05/11/2024
BNEWS Bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, những thay đổi về chính sách có thể viết lại các quy tắc về hợp tác kinh tế cho ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á).

Bài viết mới đây trên The Straits Times đã phân tích về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh ASEAN cần chuẩn bị cho tác động kinh tế lớn hơn nhiều sau cuộc bầu cử ở Mỹ.

* Sự kiện lịch sử năm 2016

Trước đây, cuộc đua để xác định ai sẽ vào Nhà Trắng ít liên quan đến các nhà hoạch định chính sách hoặc các công ty ở ASEAN. Mặc dù hai đảng chính trị của Mỹ - đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa - có những khác biệt về chính sách, nhưng cách tiếp cận chung đối với việc hoạch định chính sách đối ngoại và kinh tế đã thống nhất trong nhiều thập kỷ. Nhìn chung, cả hai đảng đều hướng đến thị trường tự do và thương mại mở. Cả hai đều khuyến khích sự lan tỏa lợi ích kinh doanh của Washington trên toàn cầu như một cơ chế khác để hỗ trợ các mục tiêu chính sách của Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới sẽ mở ra một bối cảnh hoàn toàn khác, một bối cảnh sẽ tác động đến chính sách kinh tế và tài chính trên khắp Đông Nam Á. Bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc đua này sẽ mang đến những tác động lâu dài cho khắp khu vực.

Còn nhớ cuộc bầu cử năm 2016, cuộc bầu cử đã thay đổi vị thế của Mỹ theo những cách quan trọng. Nước Mỹ đã trở nên quan tâm nhiều hơn đến vị thế của mình là đảm bảo rằng các hệ thống kinh tế và tài chính hoạt động tốt cho tất cả. Người Mỹ đã để một phần quan trọng của chế độ thương mại toàn cầu tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hệ thống giải quyết tranh chấp về các quy tắc thương mại, bị suy yếu. Khi hệ thống duy trì các quy tắc thương mại toàn cầu bị phá vỡ, việc thực hiện các chính sách bảo hộ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

 

Sau đó, ông Trump đã sử dụng nhiều luật thương mại trong nước để quản lý an ninh quốc gia. Ông Trump nổi tiếng với việc tăng thuế quan của Mỹ, đặc biệt là đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, lên tới 25%. Kết quả nổi bật là bối cảnh thương mại đã thay đổi hoàn toàn vào thời điểm ông rời nhiệm sở.

Việc điều chỉnh chính sách hướng đến trong nước nhiều hơn đã không bị thay đổi đáng kể bởi người kế nhiệm ông Trump là Tổng thống Joe Biden. Nhóm của ông Biden vẫn theo đuổi các chính sách kinh tế ngày càng hòa trộn với các lý lẽ về an ninh quốc gia theo tiêu chí "sân nhỏ, rào cao". Khi chính quyền của ông Biden sắp hết nhiệm, “sân” vẫn tiếp tục mở rộng theo những cách quan trọng, bao gồm các quy định mới liên quan đến mọi thứ từ đầu tư ra nước ngoài đến lĩnh vực ô tô.

* Đông Nam Á cần tăng cường các nỗ lực hội nhập

Trong bối cảnh đó, bài viết trên The Straits Times nhận định rằng, các nền kinh tế hướng đến xuất khẩu trên khắp Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với môi trường kém thuận lợi hơn trong tương lai. Có thể vẫn có rất nhiều cơ hội, nhưng hoạt động thương mại (vốn thúc đẩy tăng trưởng của khu vực) sẽ khó quản lý hơn với chi phí cao hơn đáng kể.

Các công ty sẽ phải chi nhiều hơn để đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ mới và sự không nhất quán ở mọi loại hình. Sự suy yếu của các quy tắc và chuẩn mực quốc tế chi phối thương mại toàn cầu có nghĩa là các chính phủ sẽ ngày càng thực hiện các hành động mà lẽ ra đã bị cấm cách đây vài năm. Điều này bao gồm việc mở rộng các hành động bảo hộ với lý do an ninh quốc gia.

Những hành động này sẽ không chỉ giới hạn ở Mỹ. Trong nhiệm kỳ thứ hai (nếu ông Trump thắng cử), ông Trump đang chuẩn bị thực hiện đầy đủ chương trình nghị sự ban đầu của mình, bao gồm việc tăng đáng kể thuế quan đối với mọi quốc gia và ở mức cao ngất ngưởng đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ông có ý định điều hành các chính sách kinh tế và tài chính trực tiếp từ Phòng Bầu dục. Ngoài ra, ông Trump đã nhiều lần lập luận rằng thuế quan là "từ đẹp nhất" chính xác là vì ông có kế hoạch sử dụng chúng thường xuyên như một giải pháp chính sách cho hầu hết mọi loại thách thức.

Ở hậu trường, các đồng minh của ông đã và đang thực hiện một loạt sáng kiến chính sách mới, bao gồm từ Viện Chính sách Nước Mỹ trước tiên (AFPI) và Dự án 2025 từ Quỹ Heritage. Bộ chính sách được đề xuất này vượt xa việc áp dụng thuế quan và bao gồm các chính sách tài khóa chẳng hạn như những thay đổi mạnh mẽ đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Các chính sách không chắc chắn từ Mỹ sẽ khiến các công ty và chính phủ ở Đông Nam Á gặp rất nhiều thách thức. Mặc dù Mỹ không phải là thị trường duy nhất, nhưng đây vẫn là điểm đến được lựa chọn cho một tỷ lệ lớn hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu từ Đông Nam Á. Các công ty trong khu vực cũng phụ thuộc vào nhiều dịch vụ và nền tảng kỹ thuật số từ Mỹ để hỗ trợ hoạt động của họ.

Các công ty, vốn đang hy vọng bằng cách nào đó có thể cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc và đưa ra một địa điểm trung lập để đầu tư hoặc sản xuất, có thể sẽ nhanh chóng bị mắc kẹt bởi những yêu cầu bất khả thi. Các công ty ở Đông Nam Á có thể bị mắc kẹt bởi các yêu cầu xung đột tương tự. Nguồn cung ứng, sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ phức tạp trên khắp khu vực có nghĩa là hầu hết các công ty có khả năng sử dụng vật liệu và dịch vụ từ một hoặc cả hai bên. Thiệt hại có thể sẽ ảnh hưởng đến các công ty thuộc mọi loại hình và quy mô, thay vì tập trung vào một số ít lĩnh vực hoặc ngành công nghiệp.

Sự không chắc chắn xuất phát từ Mỹ sẽ đòi hỏi Đông Nam Á phải tăng cường các nỗ lực hội nhập của riêng mình để giúp giảm thiểu một số thiệt hại. Trong khi ASEAN có thành tích đáng ngưỡng mộ trong việc theo đuổi sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn, nhiều cam kết vẫn còn mang tính lý thuyết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục