UAE sẽ rót 35 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ai Cập

07:58' - 29/02/2024
BNEWS Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi ngày 28/2 tuyên bố rằng Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) đã nhận được đợt giải ngân đầu tiên trị giá hàng tỷ USD từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi ngày 28/2 tuyên bố rằng Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) đã nhận được đợt giải ngân đầu tiên trị giá hàng tỷ USD từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một phần của thỏa thuận giữa hai nước nhằm phát triển một thành phố mới thuộc vùng biển phía Bắc của Ai Cập.

 

Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nile TV, ông Sisi cho biết CBE dự kiến sẽ nhận được đợt giải ngân thứ hai của dự án Ras Al-Hekma vào ngày 1/3 tới, tuy nhiên, ông không tiết lộ số tiền cụ thể.

Tuần trước, Ai Cập và UAE đã đạt được thỏa thuận phát triển Ras Al-Hekma, khu vực rộng 170 km2 về phía Tây thành phố Alexandria ở Địa Trung Hải của Ai Cập, thành một trung tâm đô thị, kinh doanh và du lịch quy mô lớn. Theo thỏa thuận, UAE sẽ bơm 35 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ai Cập trong vòng hai tháng tới.

Quỹ Tài sản chủ quyền ADQ của UAE cho biết 24 tỷ USD trong khoản FDI nói trên sẽ được dùng để phát triển khu vực Ras al-Hikma. 11 tỷ USD còn lại được phân bổ làm “các khoản tiền gửi sẽ được sử dụng để đầu tư vào những dự án quan trọng trên khắp Ai Cập, nhằm hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế”.

Theo thỏa thuận được ký kết giữa hai chính phủ, đợt giải ngân đầu tiên trị giá 15 tỷ USD được tiến hành trong tuần này. Sau đó, đợt thứ hai trị giá 20 tỷ USD sẽ diễn ra trong vòng 2 tháng tới.

Phát biểu ngày 28/2 trong một sự kiện ở Cairo, ông Sisi bày tỏ lòng biết ơn đối với UAE về khoản đầu tư này, nói thêm rằng “không có một quốc gia nào sẵn sàng chi 35 tỷ USD để hợp tác chỉ trong vòng hai tháng”.

Ông Waleed Gaballah, thành viên của Hiệp hội Kinh tế Chính trị, Thống kê và Pháp luật Ai Cập, nhấn mạnh trong rằng thỏa thuận này sẽ giảm bớt những thách thức kinh tế và gánh nặng tài chính của Ai Cập.

Ai Cập đã phải đối mặt với tình trạng thiếu ngoại tệ nghiêm trọng trong vài năm qua do doanh thu du lịch sụt giảm sau đại dịch COVID-19, giá hàng hóa tăng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau cuộc xung đột tại Ukraine năm 2022 và sự sụt giảm gần đây của doanh thu từ Kênh đào Suez do căng thẳng ở Biển Đỏ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục