Vị thế trung tâm hàng không của Hong Kong (Trung Quốc) gặp rủi ro

05:30' - 15/04/2022
BNEWS Tổng giám đốc IATA Willie Walsh nhấn mạnh Hong Kong đã không còn là đầu mối hàng không quốc tế.

Theo tờ "Tinh đảo" (Hong Kong, Trung Quốc), trong bối cảnh nhiều nước mở cửa lại biên giới, du khách có thể nhập cảnh không cần xét nghiệm, vừa qua Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã lên tiếng chỉ trích Chính quyền Hong Kong phòng dịch quá nghiêm ngặt khiến vị thế trung tâm hàng không quốc tế của hòn đảo này không còn. 

Mặc dù cảnh báo của IATA mang màu sắc báo động, nhưng cũng phản ánh việc Hong Kong đang đối diện với nguy cơ mới, chính quyền cần nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục thông quan với Trung Quốc và bên ngoài.

Đồng thời Hong Kong cũng nên tích cực tìm cách tăng cường hợp tác với các sân bay xung quanh Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, cải thiện dư địa cạnh tranh của sân bay Hong Kong sau dịch bệnh, tranh thủ hoàn thành nhiệm vụ ủng hộ Hong Kong trở thành trung tâm hàng không quốc tế trong "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14".

Tổng giám đốc IATA Willie Walsh nhấn mạnh, Hong Kong đã không còn là đầu mối hàng không quốc tế, quy định hạn chế chuyến bay và cách ly du khách nhập cảnh khiến rất nhiều hãng hàng không hủy chuyến bay đến Hong Kong.

Điều này đã cản trở dòng người đến hòn đảo này, các hãng hàng không lấy Hong Kong làm đầu mối sẽ đối diện với thời khắc khó khăn. Mặc dù Chính quyền Hong Kong hủy lệnh cấm bay đối với 9 nước vào đầu tháng này và rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh, nhưng cách làm khiến du khách nản lòng.

* Trợ cấp giúp các hãng hàng không mở rộng hoạt động sau dịch bệnh

Năm 2021, sân bay Hong Kong chỉ làm thủ tục cho 1,4 triệu lượt khách, giảm mạnh gần 85% so với năm trước, bị sân bay Bạch Vân-Quảng Châu vượt xa với 40,26 triệu lượt người và trở thành sân bay bận rộn nhất Vùng vịnh lớn.

Tuy nhiên, nếu xét về khối lượng vận chuyển hàng hóa, năm 2021, sân bay Hong Kong đã xử lý 5 triệu tấn hàng, tăng 12% so với năm 2020, dẫn đầu các sân bay lớn ở châu Á. Trừ khi lưu lượng hành khách hàng không phục hồi bình thường, rất khó để nói rằng Hong Kong là đầu mối hàng không quốc tế nếu chỉ dựa vào vận tải hàng hóa.

Mặc dù chỉ trích của IATA không hoàn toàn chính xác, nhưng đã chỉ ra những nguy cơ mà Hong Kong phải đối mặt hiện nay. Đầu tiên, các khu vực xung quanh bắt đầu lần lượt mở cửa thông quan trong tháng này, Singapore, Malaysia và Philippines cho phép du khách đã hoàn thành tiêm chủng nhập cảnh không cần cách ly.

Thái Lan cũng đã hủy yêu cầu hành khách phải có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính 72 giờ trước khi lên máy bay, đổi thành xét nghiệm nhanh khi đến nhằm khôi phục sự kết nối với nước ngoài, giúp kinh tế nhanh chóng phục hồi bình thường. 

Rõ ràng Hong Kong đang chậm trễ so với các nơi khác. Hiện nay, Hong Kong vẫn đang bùng dịch, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh, đồng thời tìm cách đẩy mạnh tiêm phòng, khi 90% người dân hoàn thành 3 mũi vaccine và có đủ sức đề kháng thì lúc đó mới có điều kiện yên tâm phục hồi thông quan với Trung Quốc và nước ngoài.  

Hong Kong không thể chờ dịch bệnh giảm mới hành động, bởi vì đối thủ cạnh tranh trong khu vực là Singapore đang nỗ lực hỗ trợ ngành hàng không phục hồi và mở rộng hoạt động để tái thiết trung tâm hàng không quốc tế, thách thức vị thế của Hong Kong. Chính phủ Singapore cấp 500 triệu SGD (366,71 triệu USD) thúc đẩy chương trình OneAviation Resilience Package.

Đây là gói trợ cấp lương cho nhân viên ngành hàng không, giúp các hãng hàng không xây dựng lại đội ngũ lao động, trợ cấp phí hạ cánh và dừng đỗ cho tất cả các máy bay tại sân bay Changi và Seletar. Bên cạnh đó, các hãng hàng không và công ty khai thác mặt đất sẽ nhận được trợ cấp tiền thuê văn phòng ở hai tòa nhà trong sân bay, các khoản trợ cấp liên quan sẽ kéo dài trong nửa năm.

Muốn duy trì vị thế trung tâm hàng không quốc tế, Chính quyền Hong Kong cần nắm bắt và xem cơ hội thị trường khổng lồ của Trung Quốc là điểm đến tái thiết sau đại dịch. Một mặt, Hong Kong có thể bắt đầu cử đội ngũ nối lại các chuyến thăm nước ngoài, cùng văn phòng kinh tế-thương mại ở nước ngoài thuyết trình câu chuyện cơ hội của Trung Quốc và Hong Kong, chuẩn bị tốt cho việc thu hút nhiều hơn các doanh nhân nước ngoài đến Hong Kong hoặc Trung Quốc đầu tư sau dịch bệnh.

Mặt khác, cần hợp tác và triển khai các biện pháp kiểm soát kết hợp giữa sân bay Hong Kong và bốn sân bay trong Vùng vịnh lớn, thiết lập cơ chế phân luồng hành khách, nâng cao năng lực cạnh tranh sau dịch bệnh.   

* Kết nối các biện pháp kiểm soát kết hợp sân bay vào mạng lưới hàng không quốc gia

Dự án Three Runway System (3RS) đã hoàn thành công việc xây dựng, hiện đang vận hành bay thử nghiệm, lượng khách chuyên chở có thể xử lý sau khi khởi động sẽ tăng mạnh. Mặc dù 3RS chưa thể đưa vào khai thác trong ngắn hạn, nhưng Hong Kong cần sớm thảo luận với Trung Quốc về việc bố trí thực hiện các biện pháp kiểm soát kết hợp ở sân bay Hong Kong, cho phép du khách làm thủ tục nhập cảnh Trung Quốc trước khi lên máy bay ở Hong Kong.

Việc rút ngắn quy trình hai chiều giữa Trung Quốc và Hong Kong, giúp sân bay Hong Kong kết nối liền mạch vào mạng lưới hàng không Trung Quốc, kích hoạt tiềm năng của thị trường vận chuyển hàng không nội địa.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc ủng hộ Hong Kong trở thành địa vị trung tâm đầu mối hàng không quốc tế, nhưng các tuyến bay giữa Hong Kong và bốn sân bay của Vùng vịnh lớn có nhiều sự trùng lặp, do đó làm thế nào để phân bổ nguồn lực có hiệu quả là một thách thức lớn. Cục Quản lý sân bay Hong Kong (AAHK), nắm giữ cổ phần sân bay Chu Hải, nên tăng cường hợp tác, và nghiên cứu phân công lao động với các sân bay của Vùng vịnh lớn.

Mục tiêu là để Hong Kong chủ yếu tập trung vào các đường bay quốc tế, các nơi còn lại chuyên về các đường bay nội địa. Sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh tại cảng khẩu Chu Hải và Macau, du khách Vùng vịnh lớn đi xe buýt chuyên dụng đến khu vực hạn chế của sân bay Hong Kong để đáp các chuyến bay quốc tế ra nước ngoài. Nếu các bên liên quan có thể phối hợp điểm tham chiếu và số chuyến bay, phát huy sức mạnh tổng hợp thì có thể thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và hợp tác lâu dài.             

Chính quyền Hong Kong cần hỗ trợ ngành hàng không, chủ động thực hiện tốt việc hợp tác phân luồng với các sân bay trong Vùng vịnh lớn, cũng như triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát kết hợp ở cảng hàng không Hong Kong, thì mới có thể phục hồi và phát triển nhanh sau dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục