Xu hướng lạm phát toàn cầu trong năm 2022: Ở một góc nhìn khác

05:30' - 21/01/2022
BNEWS Sự lây lan của biến thể Omicron đang khiến nhiều nền kinh tế chao đảo và có lẽ sẽ mất một thời gian nữa để các nhà quản lý xác định xem liệu Omicron có thể thực sự được kiểm soát hiệu quả hay không.

Trong khi đó, vấn đề lạm phát tiếp tục gióng lên những hồi chuông cảnh báo với mức tăng lên đến 7% ở Mỹ.

Điều này phản ánh một hiện thực đang xảy ra đối với kinh tế toàn cầu, đó là “thể trạng” của nền kinh tế sẽ được định hình bởi cách thức người ta quản lý các hậu quả của đại dịch, ngay cả khi các biện pháp hạn chế đã được gỡ bỏ.

* Những gì đã xảy ra trong 2 năm “vật lộn” với COVID-19

Để hiểu rõ hơn về điều này, hãy cùng nhìn lại cách đại dịch COVID-19 tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Điểm mấu chốt nằm ở các quyết định được đưa ra sau làn sóng lây nhiễm đầu tiên hồi đầu vào năm 2020, khi các chính phủ quyết định đóng cửa phần lớn hoạt động nền kinh tế và sử dụng các gói hỗ trợ khổng lồ để bù đắp thu nhập bị mất cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế.

Đại dịch khiến người dân tiết kiệm nhiều hơn bình thường và chuyển hướng chi tiêu từ các dịch vụ như ăn uống, du lịch sang các hàng hóa gia đình - đặc biệt là thiết bị kỹ thuật số để làm việc hoặc giải trí từ xa.

Khi những hàng hóa này bắt đầu cạn kiệt và việc cung ứng bổ sung bị hạn chế do các chính sách bế quan toả cảng (vì COVID-19) gây ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, các kệ hàng trong những chuỗi siêu thị điện tử mất nhiều thời gian hơn để được chất đầy.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với các mặt hàng tiêu dùng quan trọng khác như năng lượng, khi nhu cầu về dầu tăng trở lại nhưng nguồn cung lại bị hạn chế bởi các quyết định chính trị, chẳng hạn việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC +) quyết định giảm dần việc tăng sản lượng hoặc sự yếu kém về tài chính của các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.

Hậu quả của tình trạng thiếu hụt này là áp lực lạm phát. Hiện tượng này cũng trở nên trầm trọng hơn do các yếu tố liên quan đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Kể từ khi một số quốc gia thay thế than bằng các loại nhiên liệu hóa thạch “xanh hơn” trong quá trình sản xuất điện, nhu cầu về khí tự nhiên đã tăng lên. Và tại các thị trường lương thực, sản xuất nông nghiệp cũng bị thiệt hại do tần suất các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng.

* Hiểu sai về lạm phát

Ở nhiều nước công nghiệp tiên tiến, tỷ lệ lạm phát chính đã tăng mạnh vào cuối năm 2021 lên các mức cao nhất trong hai thập kỷ, với mức 7% ở Mỹ và 5% ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào tháng 12/2021.

Trong khi đó, sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế thế giới vào đầu năm 2021 sau đợt lao dốc ban đầu của năm 2020 đã nhường chỗ cho tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Điều này phù hợp với xu hướng bình thường hoá hiện nay là các nền kinh tế lớn đã quay trở lại hoặc đang tiến gần đến mức sản lượng của thời điểm trước đại dịch.

Sự kết hợp giữa tốc độ tăng trưởng chậm lại và giá cả tăng cao - thường được gọi là "lạm phát đình trệ" - là rất nguy hiểm nếu tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, Giáo sư Kinh tế Quốc tế và Chính sách Kinh tế thuộc trường Đại học Queen Mary London Brigitte Granville lại cho rằng mối đe dọa này đang bị phóng đại.

Nguyên nhân là do người ta đang nhầm lẫn nghiêm trọng giữa việc giá cả gia tăng và định nghĩa thật sự của lạm phát. Lạm phát được định nghĩa là sự gia tăng liên tục và không ổn định trong tốc độ tăng giá.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc tăng giá hàng hóa có thể được giải thích phần lớn là do các nhà cung cấp không thể cung ứng đủ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ. Ngoài ra, một diễn biến quan trọng đã trở nên rõ ràng vào cuối năm 2021 là nguồn cung hàng hóa sản xuất đã phục hồi đủ để điều chỉnh sự mất cân bằng lạm phát này.

Nền kinh tế Trung Quốc và nhiều cường quốc sản xuất châu Á khác đã được kích hoạt. Trong tháng 11/2021, hàng tồn kho chế tạo của Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã ở mức cao hơn 20-30% so với tháng trước đó. Vào tháng 12/2021, sản lượng công nghiệp toàn cầu đã tăng đến hơn 12% so với một năm trước đó.

Điều này cho thấy không chỉ nguy cơ lạm phát đình trệ sẽ giảm bớt mà những lo ngại về "vòng xoáy tiền lương - giá cả" của bất kỳ đợt lạm phát nghiêm trọng nào sẽ ngày càng khó xảy ra.

* Sai lầm của các ngân hàng trung ương?

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ương lớn có thể đã sai lầm khi đi quá xa trong việc tuyên bố về ý định tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) là cơ quan tiên phong khi công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch vào tháng 12/2021 (từ 0,1% lên 0,25%).

Trong khi đó đối với Mỹ, các thị trường tài chính đang được định giá với kỳ vọng về đợt tăng lãi suất đầu tiên của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng Ba tới. Đây cũng là thời điểm Fed dự kiến ngừng mua trái phiếu và các tài sản tài chính khác như một phần của chương trình nới lỏng định lượng (QE) để hỗ trợ nền kinh tế.

Thậm chí, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần đây đã tuyên bố sẽ cắt giảm chương trình QE của mình, mặc dù họ không có kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay.

Một số nhà bình luận cho rằng những động thái này không đi đủ xa. Họ lập luận rằng với mối đe dọa dai dẳng của lạm phát, các ngân hàng trung ương nên tăng lãi suất mạnh hơn và giảm tải các chương trình mua tài sản - điều mà Fed đã báo hiệu có thể bắt đầu thực hiện vào giữa năm nay.

Khó khăn đối với các ngân hàng trung ương là giá cả chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ví dụ, khi làn sóng lây nhiễm của biến thể Omicron giảm xuống, nhu cầu sử dụng các dịch vụ như nhà hàng hoặc du lịch sẽ phục hồi.

Tuy nhiên, do nguồn cung trong nhiều ngành vẫn còn khan hiếm với nhiều doanh nghiệp dịch vụ buộc phải đóng cửa trong đại dịch, các doanh nghiệp có thể sẽ mất nhiều thời gian để tăng vốn lưu động và thuê lại số nhân viên cần thiết và hoạt động trở lại. Vì vậy, cũng giống như trong giai đoạn 2020-2021, nhu cầu tăng thêm do nguồn cung quá ít sẽ đẩy giá dịch vụ lên cao. Việc tăng lãi suất tất nhiên sẽ không thể giải quyết được vấn đề này.

Thậm chí, động thái này nhiều khả năng sẽ dẫn đến một vòng xoáy về giá cả tiền lương, vốn đang gây lo ngại cho các ngân hàng trung ương. Nhiều quốc gia phát triển đã và đang cảm thấy áp lực vì tiền lương tăng cao từ xu hướng phục hồi việc làm. Xu hướng này ngày càng gia tăng do tình trạng thiếu lao động, phần lớn là do những trở ngại đối với việc xin thị thực H1B vào Mỹ và chiến lược giảm dòng người lao động nhập cư của Chính phủ Anh thời hậu Brexit (chỉ việc nước Anh rời EU).

Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư Brigitte Granville cho rằng mặc dù lo ngại về áp lực tiền lương là có cơ sở, những áp lực này sẽ được bù đắp bởi một xung động giảm lạm phát quan trọng có thể xảy ra vào năm 2022.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi sau đại dịch, các nhà chức trách hiện đang thực hiện nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ (chi tiêu của chính phủ) để ngăn chặn sự chậm lại của nền kinh tế.

Tuy nhiên, không giống như các động lực kích thích trước đây của Trung Quốc trong những năm giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch, vốn chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng, lần nới lỏng mới nhất này chỉ nhằm ổn định nền kinh tế. Điều này cho thấy nỗi sợ hãi của Trung Quốc về tình trạng mắc nợ của đất nước và mối đe dọa liên quan đến sự ổn định.

Với việc các chuỗi cung ứng toàn cầu trở lại trạng thái bình thường và Trung Quốc đang ở chế độ thận trọng, tác động tổng thể có thể là lạm phát sẽ giảm bớt theo cách riêng của họ.

Nếu điều này xảy ra, việc tăng lãi suất và nhanh chóng thu hẹp QE sẽ chỉ chặn đứng đà phục hồi kinh tế vào thời điểm mà nhiều quốc gia hầu như không thể đứng vững sau COVID-19. Vấn đề tiếp theo có thể tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí là suy thoái./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục