Yếu tố có lợi để Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ

06:30' - 14/05/2021
BNEWS Những biện pháp kích thích của Mỹ, dựa trên Lý thuyết tiền tệ hiện đại (MMT) vốn có xu hướng trực tiếp thúc đẩy tiêu dùng, thậm chí có thể có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Theo Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, dữ liệu việc làm kém khả quan của Mỹ trong tháng Tư, thấp hơn nhiều so với những dự đoán, đã làm dấy lên quan ngại rằng Mỹ có thể theo đuổi các biện pháp kích thích quyết liệt hơn. 

Điều có khả năng gây ra nhiều rủi ro cho các thị trường mới nổi vì vốn từ các nền kinh tế đang gặp khó khăn như Ấn Độ có thể chảy vào Mỹ. 

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng tác động đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ bị hạn chế do Trung Quốc có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới và một hệ thống xuất khẩu mạnh.

Các chuyên gia cũng nói thêm rằng những biện pháp kích thích của Mỹ, dựa trên Lý thuyết tiền tệ hiện đại (MMT) vốn có xu hướng trực tiếp thúc đẩy tiêu dùng, thậm chí có thể có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Báo cáo ngày 7/5 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nền kinh tế nước này tạo thêm 266.000 việc làm trong tháng 4/2021, con số thấp hơn nhiều so với kỳ vọng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 6,1%, những số liệu bộc lộ lỗ hổng trong quá trình phục hồi của nền kinh tế mà một số nhà phân tích lo ngại rằng sẽ "quá nóng". 

Các nhà kinh tế đã kỳ vọng nền kinh tế này tạo ra khoảng 1 triệu việc làm mới trong báo cáo tháng 4/2021 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống, trong khi con số này thậm chí còn được một số trung tâm nghiên cứu dự báo lên mức 1,3 triệu việc làm.

Sau khi số liệu trên được công bố, ngoài khoản kích thích tài chính 1.900 tỷ USD đã được thông qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Quốc hội nước này nhanh chóng hành động để thông qua luật kinh tế bổ sung, bao gồm kế hoạch chi 2.300 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và 1.800 tỷ USD cho các biện pháp an sinh xã hội sẽ kéo dài trong 10 năm tới. Khoản ngân sách này dự kiến sẽ được chi trả bằng những mức thuế cao hơn đối với người giàu và các công ty.

Chuyên gia Điền Vân, Phó Hội trưởng Hội nghiên cứu vận hành kinh tế Bắc Kinh, nhận định rằng theo kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden và tình trạng tài chính hiện tại, Bộ Tài chính Mỹ rất có thể sẽ phát hành thêm nhiều trái phiếu, bởi vì Lý thuyết tiền tệ hiện đại (MMT) có xu hướng tập trung nhiều vào khả năng chi trả lãi suất, hơn là tổng số nợ quốc gia.

Chuyên gia Điền Vân nói thêm: "Tuy nhiên, do lo ngại lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mua 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và trái phiếu thế chấp mỗi tháng kể từ năm ngoái, nhiều khả năng không tăng con số này. Điều đó có thể hút tiền từ các nước đang phát triển vào Mỹ, đặc biệt là những nước đang phải hứng chịu tổn thất từ những suy thoái do đại dịch".        

Các chuyên gia phân tích nói rằng việc tăng trái phiếu kho bạc có tác động đến vốn tương tự như việc tăng lãi suất. Hơn 60% lượng USD lưu thông bên ngoài nước Mỹ nên có khả năng sẽ có dòng vốn chảy ngược trở lại thị trường Mỹ, dẫn đến những rủi ro tài chính cho các quốc gia mới nổi.

Dẫn trường hợp của Ấn Độ làm ví dụ, chuyên gia Điền Vân nói rằng, do sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 dẫn đến sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng, nhiều khoản đầu tư của Mỹ hoặc thậm chí là các khoản đầu tư địa phương đang chuyển ra khỏi quốc gia Nam Á này.

Ông Điền Vân nói thêm: "Bất chấp những chính sách thuận lợi mà Mỹ dành cho Ấn Độ, vốn tư nhân đang rời khỏi Ấn Độ, khiến đồng rupee của Ấn Độ mất giá".

Về phía Trung Quốc, ông Lưu Học Trí - chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô cấp cao tại Ngân hàng Giao thông - nhận xét rằng Trung Quốc khó có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách kích thích kinh tế của Mỹ. Nguyên nhân là nước này có chính sách tiền tệ độc lập cùng lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới và một hệ thống xuất khẩu lành mạnh tạo ra các khoản thanh toán bằng ngoại tệ.

Theo các nguyên tắc của MMT, Chính phủ Mỹ có xu hướng đưa tiền trực tiếp tới người tiêu dùng để thúc đẩy nhu cầu, điều đã cho thấy những kết quả tích cực. Tuy nhiên, kế hoạch cứu trợ được tăng cường có thể làm suy giảm tâm lý sẵn sàng làm việc của người dân, vì họ có thể nhận được nhiều hơn hoặc ít hơn cùng một số tiền từ kế hoạch này, dẫn đến hiệu quả thấp của lĩnh vực sản xuất.

Theo đạo luật mang tên Kế hoạch giải cứu nước Mỹ (ARP), những người đã nhận trợ cấp thất nghiệp được nhận thêm 300 USD/tuần nằm trong top đầu các khoản trợ cấp thông thường của nhà nước. Có nghĩa là những người thất nghiệp trung bình kiếm được nhiều hơn so với làm việc toàn thời gian với mức 15 USD/giờ.

Chuyên gia Điền Vân nói: "Nhu cầu tiêu dùng gia tăng cùng với nguồn cung thấp ở Mỹ đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các quốc gia xuất khẩu lượng lớn hàng hóa sang Mỹ và có năng lực sản xuất mạnh như Trung Quốc". Ông Điền Vân chỉ ra rằng, trong tháng Tư, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tăng 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn của Mỹ không chỉ thu hút sự chú ý của Fed đối với lạm phát ở Mỹ, mà còn làm dấy lên những quan ngại về lạm phát trên toàn cầu.            

Tuy nhiên, chuyên gia Lưu Học Trí lưu ý rằng tình trạng lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu không có mối liên hệ chặt chẽ với những kế hoạch kích thích kinh tế của Mỹ. Thay vào đó, nguyên nhân chủ yếu là do giá cả các mặt hàng thiết yếu cao hơn, gây ra bởi nguồn cung không đủ, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu./.           

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục