Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 23/4

06:05' - 23/04/2020
BNEWS Trong tổng số hơn 2,63 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới gần 184.000 người đã tử vong. Gần 2/3 trong số các nạn nhân này ở châu Âu, nơi ghi nhận hơn 111.000 ca tử vong.

 

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 đến 5h45 sáng ngày 23/4 (giờ Việt Nam) theo trang mạng worldometers.com, thế giới đã vượt mốc 2,6 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với thêm 75.692 ca bệnh mới trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tăng thêm 6.336 ca mới, tiến sát mốc 184.000 ca.

Tính trên toàn thế giới, hiện còn 56.678 ca bệnh nặng đang điều trị và gần 717.000 ca khỏi bệnh.

 

Trong bảng cập nhật số liệu mới nhất dịch COVID-19, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong với 47.486 ca (tăng 2.168 ca), tiếp đến là Italy với 25.085 ca (tăng 437 ca) và Tây Ban Nha với 21.717 ca (tăng 435 ca). Hai quốc gia tiếp theo cũng là các nước châu Âu, gồm Pháp với 21.340 ca (tăng 544 ca) và Anh 18.100 ca (tăng 763 ca).

Về tổng số ca nhiễm, Mỹ chiếm hơn 1/3 số ca trên toàn thế giới với 845.936 ca (tăng 27.192 ca). Tiếp đến là Tây Ban Nha với 208.389 ca (tăng 4.211 ca); Italy 187.327 ca (tăng 3.370 ca), Pháp 159.877 ca (tăng 1.827 ca) và Đức 150.062 ca (tăng 1.609 ca).

Còn tại Việt Nam, cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tính tới 6h00 sáng ngày 23/4, số ca mắc bệnh là 268 trường hợp. Trong đó, có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

>>>Cập nhật mới nhất COVID-19 ở Việt Nam sáng 23/4: Ngày thứ 7 không có ca mắc mới

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH DIỄN BIẾN MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA

*Nga và Anh ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày

Tại châu Âu, trong khi một số quốc gia như Bỉ và Thụy Sĩ ghi nhận số ca nhiễm mới giảm mỗi ngày và được cho là đã qua đỉnh dịch thì Nga và Anh ngày 22/4 vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới. Trên toàn lãnh thổ LB Nga đã ghi nhận thêm 5.236 ca nhiễm, đưa tổng số ca lên 57.999 ca.

Anh ghi nhận 4.451 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 133.400 ca. Giới chức Anh nhận định quốc gia này đang bắt đầu bước qua giai đoạn đỉnh dịch. Nước này cũng thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 do Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển trên người từ ngày 23/4 tới.

Đây cũng là ngày mà Chính phủ Đức lần đầu tiên "bật đèn xanh" cho việc triển khai thử nghiệm lâm sàng trên người một loại vaccine do công ty công nghệ BioNTech của nước này phát triển.

*Mỹ khẳng định nối lại hoạt động kinh tế một cách an toàn

Tại Mỹ, Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo người dân nước này cần chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh tái bùng phát mạnh hơn trong mùa Đông tới.

Bất chấp những cảnh báo này, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định quốc gia này hiện đã an toàn để nối lại các hoạt động kinh tế.

Trong một động thái gây tranh cãi khác, chia sẻ trên Twitter sáng 22/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump khẳng định trong ngày ông sẽ ký ban hành sắc lệnh tạm ngừng một phần chương trình cấp phép nhập cư nước này, để bảo vệ người lao động Mỹ vốn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái vì tác động của dịch bệnh.

*Italy vượt ngưỡng 25.000 ca tử vong

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 22/4, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo nước này đã ghi nhận thêm 3.370 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này lên 187.327 trường hợp.

Trong đó, số ca tử vong tăng 437 ca lên 25.085 trường hợp và số ca hồi phục tăng 2.943 ca lên 54.543 ca. Ngoài ra, Italy hiện có 23.805 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 2.384, giảm 87 trường hợp.

 

*Trung Quốc siết chặt quy định tại các khu vực gần biên giới với Nga

Trong bối cảnh các ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ngày một tăng tại các khu vực Đông Bắc Trung Quốc gần biên giới Nga, ngày 22/4, giới chức địa phương đã quyết định siết chặt các hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn làn sóng bùng phát thứ 2.

Theo giới chức tỉnh Hắc Long Giang, khu vực này không chỉ chứng kiến số ca nhiễm nhập khẩu từ nước ngoài ngày một tăng, chủ yếu là các công dân Trung Quốc trở về nước, mà số ca lây nhiễm nội địa cũng ngày một cao.

Tại thủ phủ Cáp Nhĩ Tân, nơi có 2 ổ dịch liên quan đến các bệnh viện, chính quyền đã ban hành lệnh cấm người dân và phương tiện ở bên ngoài thành phố vào khu vực dân cư.

Bất kỳ người nào từ nước ngoài hoặc những nơi có số ca mắc COVID-19 cao ở trong nước sẽ phải cách ly bắt buộc.

*Diễn biến dịch COVID-19 ở Singapore và Ấn Độ vẫn "nóng"

Tại châu Á, dịch vẫn "nóng" ở Singapore và Ấn Độ. Singapore cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.016 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại đảo quốc này lên 10.141 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Singapore ghi nhận số ca nhiễm mới trên 1.000 ca. Hơn 75% tổng số bệnh nhân tại Singapore là lao động nhập cư đang sống tại các khu nhà ở tập trung.

Trong khi đó, cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tối 22/4, Bộ Y tế liên bang Ấn Độ thông báo số ca nhiễm đã vượt 20.000 ca. Cụ thể, tính tới 17h (giờ địa phương), Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 20.471 ca nhiễm sau khi phát hiện thêm 487 ca mới trong ngày.

*Mỹ cấp viện trợ cho Nam Phi chống dịch

Ngày 22/4, Đại sứ quán Mỹ tại Nam Phi thông báo Washington vừa viện trợ cho Pretoria thêm 250 triệu Rand (tương đương 13 triệu USD) đễ hỗ trợ quốc gia 56 triệu dân này ứng phó hiệu quả hơn trước tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đây là khoản viện trợ mới nhất của Mỹ dành cho Nam Phi sau khoản viện trợ 8,4 triệu USD trước đó được thực hiện thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).  Tính đến thời điểm này, Mỹ đã viện trợ tổng cộng 21,5 triệu USD cho Nam Phi để ứng phó với đại dịch COVID-19.

*IMF và các cơ chế tài chính phối hợp ứng phó dịch COVID-19

Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và các cơ chế tài chính khu vực khác đã nhất trí phối hợp hành động nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế và tài chính của dịch bệnh COVID-19, nhất là đối với các quốc gia và người dân dễ bị tổn thương nhất.

Ngoài việc trao đổi thông tin về nhu cầu của các thành viên, những cơ quan và cơ chế này cho biết sẽ tìm cách phối hợp hỗ trợ ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

>>>Các thể chế tài chính lớn cam kết cùng hành động ứng phó dịch COVID-19

*Hơn 90% học sinh, sinh viên trên thế giới bị ảnh hưởng do dịch bệnh

Cùng ngày, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố báo cáo cho thấy 188 quốc gia trên thế giới đã thực hiện đóng cửa trường học các cấp từ ngày 4/5, ảnh hưởng đến 91,3% học sinh, sinh viên. Tổng số học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng là 1.576.021.818 người.

Các chuyên gia nhận định khoảng cách bất bình đẳng giữa học sinh có điều kiện và học sinh nghèo, vốn tồn tại trong các hệ thống giáo dục, ngày càng bị nới rộng do việc đóng cửa trường học.

*ILO cảnh báo tác động nghiêm trọng của dịch bệnh lên người lao động

Ngày 22/4, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo dịch bệnh sẽ tác động nghiêm trọng tới người lao động cũng như người sử dụng lao động với dự báo tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ chịu tổn thất lớn về sản lượng và việc làm, đặc biệt là ngành du lịch và sản xuất ô tô.

Tuy nhiên, ILO cũng khuyến cáo đối với việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly hiện nay, theo đó người lao động chỉ nên quay lại làm việc khi đảm bảo được các điều kiện cần thiết để có thể ngăn chặn dịch bệnh tái diễn. 

>>>CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục