Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Việt

10:15' - 29/05/2019
BNEWS Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ giúp cho người dân Nghệ An tiếp cận được với những hàng hóa mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Một gian hàng tại phiên chợ nông thôn. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

10 năm qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ giúp cho người dân Nghệ An tiếp cận được với những hàng hóa chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, nhất là tại vùng sâu, vùng xa.

Chị Nguyễn Thanh Xuân ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ cho biết, trước thực trạng hàng nhái hàng giả tràn lan trên thị trường, những phiên chợ hàng Việt là cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt, thêm nhiều hơn sự lựa chọn cho gia đình. Không những cạnh tranh về mẫu mã, với nhiều sản phẩm được làm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường cũng luôn được người tiêu dùng Việt ưu tiên lựa chọn.

Là một tiểu thương nhỏ ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, chị Lê Kim Lan hào hứng chia sẻ, các phiên chợ hàng Việt là cơ hội để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp cũng như thế mạnh của địa phương. Không những thế, qua đây các doanh nghiệp cũng nắm bắt được phương thức kinh doanh và thị hiếu người tiêu dùng để cung ứng cho phù hợp.

Thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Sở Công Thương Nghệ An đã phối hợp với các ngành, địa phương tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn miền núi. Đến nay đã triển khai được 70 chương trình tham quan mua sắm tại các phiên chợ hàng Việt nhằm kết nối giao thương để tạo sự gắn kết giữa nhà phân phối, nhà sản xuất và người tiêu dùng đồng thời phát triển, mở rộng kênh phân phối cho các nhà sản xuất trong nước.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm và sử dụng hàng sản xuất trong nước đã được nâng lên đáng kể. Đối với các hệ thống phân phối trong siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ có tỷ lệ hàng Việt Nam tại Nghệ An được bày bán chiếm từ 70-80%, đó là con số tăng đáng kể so với trước khi triển khai cuộc vận động.

Cùng với đó, ý thức người tiêu dùng cũng được nâng lên rõ rệt, với ý thức tự tôn tự hào dân tộc, người tiêu dùng đã lựa chọn và sử dụng hàng Việt ngày càng nhiều hơn. Về phía các doanh nghiệp cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng ngày càng phù hợp hơn.

Thông qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn để điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường.

Còn về phía người tiêu dùng nông thôn, có điều kiện được tiếp xúc với nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều mặt hàng tiêu dùng phong phú của các doanh nghiệp Việt Nam, từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm đến hàng gia dụng, điện tử, nội thất gia đình...và thật sự yên tâm vào các sản phẩm mà doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm.

Là một trong những doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình, Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ An tham gia các chương trình do Sở Công Thương Nghệ An tổ chức ở trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, sản phẩm chủ lực của công ty là nước mắm Cửa Hội và nước mắm Cửa Lò được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp truyền thông, không sử dụng hóa chất bảo quản với sản lượng nước mắm các loại xấp xỉ 1 triệu lít/năm.

Thị trường tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành trên cả nước và một số nước được khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng. Ngoài ra thông qua một số doanh  nghiệp tư nhân và Việt kiều, công ty đã xuất khẩu nước mắm sang một số nước như Cộng hòa Séc, Ukraina và Rumani… Hiện, công ty đang tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ và dự kiến sản lượng năm 2019 sẽ tăng trưởng trên 150% so với năm 2018.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ An cho hay, trong 10 năm tham gia chương trình, sản phẩm của công ty nói riêng và các sản phẩm Việt Nam nói chung được người tiêu dùng Việt Nam tại các địa bàn tham gia được người dân ủng hộ nhiệt tình.

Ngoài ra, khi tham gia chương trình doanh nghiệp trực tiếp biết được ý kiến của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp đã có được các đánh giá thực tế về các thị trường địa phương này từ đó có điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp đáp ứng ngày cang tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Mặt khác, đây là một cơ hội tốt giúp doanh nghiệp có thể gặp gỡ các nhà phân phối, các đại lý tiềm năng tại từng địa phương. Đồng thời  xác định và lập ra được những chiến lược kinh doanh mới cho sản phẩm và dịch vụ của mình sao cho phù hợp với các thị trường mang đặc trưng vùng miền và yêu cầu của khách hàng.

Theo đánh giá từ Sở Công Thương Nghệ An, năng lực của một số doanh nghiệp nội địa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả; nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, nhất là quảng bá thương hiệu và kỹ năng chăm sóc khách hàng.

Không những thế, khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng, sản phẩm còn thấp; một số doanh nghiệp còn lợi dụng khuyến mại, lợi dụng đưa hàng Việt về nông thôn để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng, hàng không đảm bảo chất lượng… làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, do đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” và “Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi” với quy mô lớn hơn; trong đó, ưu tiên đưa hàng Việt về tại địa bàn các các xã miền núi trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Sở Công Thương tiếp tục triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiền dùng hàng Việt Nam”; tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương tại các tỉnh thành trong cả nước; xây dựng các điểm bán hàng Việt. Đi đôi với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu…

Bà Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An khẳng định, cùng với những giải pháp thiết thực của các sở, ngành trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số chuyến bán hàng, doanh nghiệp rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương.

Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Nghệ An với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các doanh nghiệp giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Nghệ An./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục