Giảm nghèo - Giải pháp mấu chốt để giải quyết vấn đề di cư

11:10' - 17/11/2015
BNEWS Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - châu Phi nhấn mạnh sự cần thiết cần cải thiện vấn đề kinh tế tại châu Phi mới có thể giảm thiểu làn sóng di cư bất hợp pháp tại châu Âu.
Hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi trong ngày họp thứ hai 12/11. Ảnh: THX/TTXVN

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - châu Phi vừa kết thúc tại Malta và nguyên thủ các nước châu Âu và châu Phi đã nhất trí cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn làn sóng di dân từ châu Phi đổ vào châu Âu.

Đặc biệt, EU đã quyết định thành lập quỹ, trị giá 1,8 tỷ euro (khoảng 2 tỷ USD) để giúp các nước châu Phi giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi lần này đã thống nhất về Thỏa thuận chung, bao gồm 5 điểm, nhằm giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng di cư hiện nay, nhất là nạn di cư từ châu lục "đen" tới châu Âu.

Ngoài ra, hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người dân tại châu Phi, nhất là vấn đề kinh tế, thì mới có thể giảm thiểu làn sóng di cư bất hợp pháp để đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu.

Tại Hội nghị EU và châu Phi vẫn tồn tại những bất đồng về lập trường và cách tiếp cận về vấn đề di cư nhạy cảm này.

biệt, EU kêu gọi các nước châu Phi cần cam kết mạnh mẽ trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải cách hệ thống lãnh đạo, quản lý đất nước, nhất là xây dựng nhà nước pháp quyền và tôn trọng nhân quyền.

Trước mắt, EU cam kết tài trợ cho các nước châu Phi kiểm soát dòng người di cư đổ vào châu Âu hiện nay.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (giữa), Thủ tướng Malta Joseph Muscat (phải) và Tổng thống Senegal Macky Sall tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi. Ảnh: THX/TTXVN

Giai đoạn 2, các nước thành viên EU sẽ giúp châu lục này thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao thương và khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài để giảm bớt đói nghèo, nâng cao đời sống tại khu vực này trong tương lai gần.

EU hy vọng rằng các cam kết viện trợ của họ có thể làm chậm dòng người di cư qua Địa Trung Hải từ lục địa nghèo nhất thế giới đến lục địa châu Âu giàu có.

Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, thay mặt các nước châu Phi, Tổng thống Senegal Macky Sall và người đồng cấp Niger Mahamadou Issoufou đều nhấn mạnh rằng về lâu dài, nhằm giải quyết triệt để vấn đề di cư từ châu Phi sang châu Âu, cộng đồng thế giới, Liên hợp quốc (LHQ) và EU cần tạo điều kiện thuận lợi để châu Phi phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của hơn 1 tỷ người dân ở châu lục này.

Nhà lãnh đạo châu Phi cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu hỗ trợ "lục địa Đen" nhiều hơn và có trách nhiệm hơn để châu Phi có thể tự giải quyết vấn đề nhạy cảm này trong tương lai.

Trước đó, Bộ trưởng Môi trường Niger Adamou Chaifou cho biết nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Phi hiện nay bắt nguồn tự sự đói nghèo, bất ổn chính trị, xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram đang gia tăng đáng kể các cuộc tấn công khủng bố ở khu vực biên giới phía Đông Bắc Nigeria và các nước láng giềng đã và đang khiến cho nhiều dân thường ở Nigeria, Cameroon và CH Chad, rời bỏ quê hương đi lánh nạn.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu vừa thông báo, hiện có khoảng 1,2 triệu người di cư bất hợp pháp tới châu Âu kể từ đầu năm nay và 1/2 trong số này từ châu Phi.

Mạnh Hùng ( P/v TTXVN tại Pretoria)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục