Liệu Nhật Bản có thể chịu được áp lực của việc tăng lãi suất?

06:30' - 03/01/2023
BNEWS Điều khiến thị trường ngạc nhiên là BoJ đã thay đổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC), cho phép trần lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng từ 0,25% lên 0,5%.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo bài viết trên trang HK01 của Hong Kong ngày 29/12, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã công bố chính sách tiền tệ mới nhất vào ngày 20/12.

BoJ cho biết, sẽ tiếp tục duy trì lãi suất chuẩn ngắn hạn ở mức -0,1% và duy trì mục tiêu lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm khoảng 0%. Bên cạnh đó, BoJ cũng quyết định tăng đáng kể lượng trái phiếu mua vào hàng tháng từ 7.700 tỷ yen lên 9.000 tỷ yen (khoảng 67,5 tỷ USD).

Điều khiến thị trường ngạc nhiên là BoJ đã thay đổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC), cho phép trần lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng từ 0,25% lên 0,5%. BoJ cho biết động thái này sẽ giúp tăng cường tính bền vững của chính sách nới lỏng tiền tệ.

           

* Quyết định bất ngờ

Quyết định bất ngờ này có nghĩa là chính sách nới lỏng định lượng mà BoJ kiên trì áp dụng trước đây đã bắt đầu được điều chỉnh và tiến tới bình thường hóa chính sách. Sự thay đổi này cũng gây chấn động thị trường.

Cùng với việc công bố chính sách này, tỷ giá hối đoái của đồng yen so với đồng USD đã tăng gần 3%, lên mức cao nhất của gần 5 tháng là 133,12 yen đổi lấy 1 USD, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index giảm 0,7%, lãi suất trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng 21 điểm cơ bản lên 0,467%, mức cao nhất kể từ năm 2015.

Động thái này cũng gây ra sự sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, với chỉ số Nikkei 225 giảm 2,46% vào ngày 20/12. Trái phiếu của Mỹ cũng giảm mạnh và lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ từng tăng lên 3,62% trong thời gian ngắn; ba hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán chính của Mỹ cũng lao dốc.

Lần này, BoJ đã nâng giới hạn trên của YCC mà không đưa cảnh báo trước. Nhật Bản luôn kiên định với chính sách, ngay cả khi chính sách của họ khiến đồng yen mất giá so với đồng USD. Với việc Cục trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chậm lại và chỉ số USD giảm, đồng yen đã trở lại mức dưới 140 yen đổi 1 USD và áp lực bên ngoài đối với YCC của BoJ đã thực sự giảm.

BoJ và các quan chức Nhật Bản cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ kiên định với chính sách nới lỏng định lượng cho đến khi có sự cải thiện rõ ràng về lạm phát. Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng BoJ không nên thay đổi chính sách cho đến khi nhiệm kỳ 10 năm của Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda kết thúc. Do đó, việc điều chỉnh chính sách của BoJ vào thời điểm này được đánh giá là đột ngột.

Nguyên nhân, theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ANBOUND, chủ yếu là do BoJ phải lựa chọn giữa kiềm chế lạm phát và kích thích kinh tế trước áp lực kinh tế trong nước và lạm phát. Mặc dù BoJ vẫn giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm, song việc tăng giới hạn trên của YCC quả thực có nghĩa là lãi suất thị trường của đồng yen đã được phép tăng. Điều này cho thấy Nhật Bản đã bắt đầu đi theo tốc độ của các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Mỹ, phát đi tín hiệu về sự thay đổi chính sách.

* Một đợt hỗn loạn mới?

Từ đầu năm nay, khi Fed bắt đầu thắt chặt chính sách, còn Nhật Bản vẫn kiên định với chính sách nới lỏng định lượng, việc chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản ngày càng nới rộng đã khiến đồng yen giảm xuống mức thấp so với đồng USD trong 20 năm. Tuy nhiên, sự mất giá của đồng yen đã không thúc đẩy kinh tế Nhật Bản một cách hiệu quả mà thậm chí còn làm tăng lạm phát.

Đồng yen yếu hơn khiến hàng hóa nhập khẩu như năng lượng và nguyên liệu thô trở nên đắt đỏ. Số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 10/2022, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021, vượt xa mục tiêu 2% của BOJ.

                                            

Tính đến tháng 10, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản đã vượt trên 2% trong 7 tháng liên tiếp. Hơn nữa, tình hình lạm phát của Nhật Bản không hề giảm như kỳ vọng của BOJ. Khảo sát của Reuters cho thấy CPI của Nhật Bản tăng 3,7% so với cùng kỳ trong tháng 11.

Ngoài ra, việc đồng yen tiếp tục ở thế yếu đã gây ra phản ứng dây chuyền trong hoạt động kinh doanh và lao động. Kể từ đầu năm 2022, đồng yen đã mất giá khoảng 30% so với đồng USD, từng có thời điểm đứng ở mức 150 yen đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ thời kỳ kinh tế bong bóng của Nhật Bản năm 1990.

Trong một thời gian, sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã khiến nhiều người lo ngại. Để ngăn chặn sự mất giá hơn nữa của đồng yen, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu can thiệp vào thị trường ngoại hối vào tháng Chín. Gần đây, đồng yen đã phục hồi nhẹ so với đồng USD. Đồng yen yếu hơn có nghĩa là tiền lương bằng đồng yen đang trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người lao động nước ngoài. Trước đây, trong thời kỳ đồng yen giảm giá, các nhà đầu tư cho rằng BOJ cần phải từ bỏ hoặc điều chỉnh chính sách YCC nhằm duy trì sự ổn định của đồng yen.

Mặc dù kinh tế Nhật Bản vẫn đang tăng trưởng và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2022 của nước này đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng nếu BoJ từ bỏ chính sách nới lỏng định lượng trong nhiều năm, chắc chắn điều này sẽ tác động sâu sắc đến kinh tế Nhật Bản.

Việc tăng lãi suất không có lợi cho lợi nhuận doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đồng thời, rủi ro về nợ của Nhật Bản, đặc biệt là vấn đề nợ chính phủ, sẽ gia tăng sau khi lãi suất tăng. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sau nhiều năm nới lỏng chính sách, tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản đã lên đến mức 263% vào năm 2021, mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Cùng với lãi suất tăng, các khoản thanh toán lãi bổ sung càng làm tăng thêm gánh nặng tài chính. Nếu Nhật Bản tăng lãi suất tiêu chuẩn, rất có thể đà tăng trưởng sẽ lại bị “đánh gục” và tiếp tục quay trở lại trạng thái chậm chạp trước đây.

Đối với thị trường quốc tế, động thái bất ngờ của BoJ đã khiến thị trường nhanh chóng có phản ứng. Sự thay đổi này không chỉ có nghĩa là sau khi khoảng cách lãi suất giữa đồng yen và USD được thu hẹp, vốn sẽ quay trở lại Nhật Bản, tác động chủ yếu hơn nữa là trong thời kỳ lãi suất âm, việc BoJ kiên trì thời gian dài kiểm soát đường cong lợi suất đã gián tiếp làm tăng chi phí đi vay thấp hơn cho thế giới, đồng thời cũng hình thành cơ sở nhất định cho việc định giá giá trị tài sản.

Đến nay, những thay đổi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc điều chỉnh lại sự định giá của các bên vốn dựa vào đồng yen để phân bổ trên toàn cầu. Trước đó, một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng nếu BoJ đột ngột từ bỏ chính sách YCC, vai trò của thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản với tư cách là điểm neo quan trọng cuối cùng cho sự gia tăng hơn nữa của lợi suất trái phiếu toàn cầu sẽ thay đổi và có thể gây ra sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu toàn cầu và các thị trường khác, tác động sẽ không thua kém tác động của sự hỗn loạn thị trường trái phiếu Anh đối với thị trường toàn cầu.

Do đó, sự thay đổi này của BoJ sẽ không chỉ gây ra biến động trên thị trường chứng khoán và nợ của Nhật Bản, mà còn tác động mạnh đến thị trường các nước phát triển như châu Âu và Mỹ. Vòng bất ổn và những biến động về vốn này cũng sẽ tiếp tục tác động ngược trở lại thị trường vốn trong nước của Nhật Bản, khiến tình trạng hỗn loạn về kinh tế và tài chính của Nhật Bản thêm trầm trọng.

Cùng với việc duy trì lãi suất chuẩn không thay đổi, BoJ đã điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất và nâng giới hạn trên của YCC, chủ yếu là do áp lực đối với nền kinh tế trong nước và lạm phát của Nhật Bản, BoJ đã buộc phải đưa ra lựa chọn trong thế tiến thoái lưỡng nan giữa kiềm chế lạm phát và kích thích nền kinh tế.

Điều này cho thấy Nhật Bản đã bắt đầu đi theo tốc độ của các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Mỹ, phát đi tín hiệu về sự thay đổi chính sách. Tuy nhiên, sự thay đổi bất ngờ trong chính sách đã kiên trì trong nhiều năm chắc chắn sẽ gây ra một đợt hỗn loạn mới trên thị trường vốn trong nước và quốc tế của Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục