Logistics Cần Thơ lúng túng vì “quá tải” nhà đầu tư

15:10' - 20/12/2016
BNEWS Ngày 20/12, UBND thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành liên quan về tiến độ quy hoạch hệ thống trung tâm logistics (trung tâm dịch vụ hậu cần) trên địa bàn thành phố.
Cần Thơ tập trung giải đáp những vướng mắc trong việc xây dựng hệ thống trung tâm logistic. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Thành phố Cần Thơ xác định mục tiêu xây dựng hệ thống logistic, hướng đến phát triển thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, căn cứ Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch hệ thống trung tâm logistics tại thành phố đã được phê duyệt tại khu đô thị công nghiệp Cái Răng với diện tích 40,5 ha.

Tháng 8/2015, Sở Công Thương Cần Thơ đã đề xuất với UBND thành phố và được chấp thuận mở rộng thêm quy mô đất quy hoạch lên 70 ha để đáp ứng tiêu chí trong quy định của Thủ tướng. Đồng thời, hoàn thiện dự án xây dựng trung tâm logistics hạng II gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để mời gọi nhà đầu tư theo quy định.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, đến nay quá trình kêu gọi đầu tư đang diễn ra thuận lợi, khu dự án đã thu hút được sự quan tâm từ nhiều đơn vị doanh nghiệp, tập đoàn lớn chuyên lĩnh vực logistics trên cả nước.

Trong số đó, có ba nhà đầu tư được Sở Công Thương đánh giá có tiềm lực nhất. Đó là Công ty cổ phần Đối Tác Chân Thật tại Tp. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần đầu tư Long Thuận tỉnh Đồng Nai và Tập đoàn TBS tỉnh Bình Dương.

Riêng Tập đoàn TBS xác định sẽ tập trung khai thác có hiệu quả thị trường Cần Thơ thành trung tâm logistics của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ lưu thông hàng hoá từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng xuất khẩu của vùng, kết nối với hệ thống cảng biển, cảng hàng không và mạng lưới giao thông, đường bộ.

Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, Sở Công Thương đã tiếp nhận nhiều ý kiến từ các nhà đầu tư về bất lợi địa thế của khu đô thị công nghiệp Cái Răng. Theo đó, vì vị trí của khu công nghiệp nằm sâu trong đất liền, quá xa cảng nên chi phí vận chuyển hàng hoá từ cảng vào sẽ là bài toán đau đầu cho nhà sản xuất nếu trung tâm dịch vụ hậu cần được xây dựng tại đây.

Trong số các nhà đầu tư, chỉ có Công ty cổ phần Đối Tác Chân Thật đồng ý đầu tư tại khu đô thị công nghiệp Cái Răng. Còn Tập đoàn TBS đề nghị được xây dựng trung tâm logistics tại khu vực Cảng Cái Cui do ưu điểm về diện tích 120 ha đất liền kề có vị trí giao thương đường thủy và đường bộ thuận lợi hơn.

Mặt khác, Công ty cổ phần đầu tư Long Thuận lại đề xuất được xây dựng hệ thống cảng và logistics tại khu đất 75,8 ha thuộc Khu công nghiệp Hưng Phú, quận Cái Răng do lợi thế về cơ sở hạ tầng và vị trí bốn phía giáp sông Hậu và trục đường quốc lộ Võ Nguyên Giáp.

Trước tình trạng “quá tải” về số lượng và sự khác biệt trong phương hướng hợp tác cũng như nguyện vọng từ phía các nhà đầu tư, Giám đốc Nguyễn Minh Toại xin chỉ đạo từ phía lãnh đạo thành phố cũng như ý kiến đóng góp từ các Sở, ngành hữu quan.

Ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây Dựng thành phố Cần Thơ cho biết, chủ trương quy hoạch và xây dựng hệ thống cảng và logistics tại Cần Thơ là rất hợp lý, nhưng cũng cần tính toán khả năng đáp ứng của hạ tầng thành phố cho dự án.

Theo ông Dược, Sở Công Thương cần xác định rõ diện tích đất quy hoạch cho logistics tại Cần Thơ có đủ phục vụ cho toàn vùng mà không làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất công nghiệp khác của thành phố, khi chỉ tính riêng diện tích đất dự kiến đã lên đến 300 ha, chưa tính các đơn vị nhỏ, lẻ.

Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng đang xảy ra tình trạng “chồng lấn” khu công nghiệp do mật độ phát triển quá nhanh, gây không ít khó khăn cho Lãnh đạo thành phố và các Sở, ngành trong việc điều hành, quản lý. Việc phát triển thêm khu trung tâm logistics do đó cần được cân nhắc kỹ.

Ông Nguyễn Tấn Dược kiến nghị lãnh đạo Sở Công Thương nên thẩm định và chọn ra một nhà đầu tư có năng lực nhất. Sau đó theo sự chỉ đạo thống nhất từ UBND và Thành ủy để chọn lọc và tập trung vốn đầu tư về một đầu mối; trong đó, ưu tiên khu đất 70 ha tại Khu đô thị công nghiệp Cái Răng đã được Chính phủ phê duyệt.

Phản hồi ý kiến từ các sở, ngành, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, chủ trương của Thành ủy là tập trung phát triển ngành logistics thành thế mạnh và nguồn thu chính của thành phố.

Do vị trí phân bố xen kẽ với các khu dân cư nên vấn đề ô nhiễm, khói bụi từ các khu công nghiệp đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân thành phố trong thời gian qua.

Vì vậy, lãnh đạo thành phố sẽ hạn chế dần số lượng các nhà máy sản xuất và tập trung khai thác các ngành công nghiệp dịch vụ; trong đó, ngành logistics với tổ chức hoạt động bao quát toàn bộ các khâu sản xuất hàng hoá như chế biến, đóng gói, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi là một hướng phát triển đúng đắn của Cần Thơ.

Đối với vấn đề “quá tải” nhà đầu tư, Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam cho rằng, chủ trương của lãnh đạo thành phố là tạo mọi điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư có cơ hội kinh doanh, phát triển tại Cần Thơ, nhất là khi các tỉnh thành lân cận như Trà Vinh, Hậu Giang cũng đang đẩy mạnh công tác kêu gọi vốn đầu tư với nhiều quyền lợi hấp dẫn để phát triển ngành logistics địa phương.

Tuy nhiên, vì Cần Thơ mới chỉ được Chính phủ phê duyệt khu đất 70 ha tại khu đô thị công nghiệp Cái Răng để xây dựng trung tâm logistics, Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở Công Thương xin ý kiến của Bộ Công Thương về cơ sở pháp lý và quy trình đề xuất mở rộng thêm diện tích đất phục vụ cho hoạt động logistics tại địa phương.

Lãnh đạo thành phố sẽ dựa theo phản hồi từ phía Bộ Công Thương để tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan về hướng đi kế tiếp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục