Môi giới bất động sản – nghề “hot” theo sức nóng thị trường

09:21' - 03/05/2016
BNEWS Nghề môi giới bất động sản không chỉ có sức hút với những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan như đầu tư, xây dựng… mà còn khiến nhiều người bỏ cả nghề tay phải để chạy theo nghề tay trái này.
Môi giới bất động sản – nghề “hot” theo sức nóng thị trường. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Tốt nghiệp Đại học Văn hóa đã 2 năm, Nguyễn Thị Hương mãi vẫn chưa xin được việc làm và chấp nhận cảnh trái ngành trái nghề để làm nhân viên thu ngân siêu thị với mức lương 3,6 triệu đồng/tháng.

Mới đây gặp lại, Hương hồ hởi khoe đã thay đổi công việc và trở thành nhân viên môi giới bất động sản cho một Sàn giao dịch lớn nằm tại Trung Kính – Cầu Giấy – Hà Nội.

Hương kể, tuyển vào vị trí nhân viên môi giới rất dễ, công việc đơn giản, thu nhập cứng 4 triệu đồng/tháng mà việc chính chỉ là gọi điện chăm sóc khách hàng.

Trường hợp của Hương cũng giống như hàng trăm, hàng chục nghìn người bị hút vào nghề môi giới bởi sức nóng của thị trường bất động sản.

Khác với cảnh ảm đạm của giai đoạn năm 2012 - 2013, thời điểm này các Sàn giao dịch bất động sản đã lấy lại phong độ.

Có tầm cỡ phải kể đến các Sàn và Tổ hợp các sàn giao dịch lớn liên kết với nhau nhưng ở quy mô nhỏ như Văn phòng hay Trung tâm nhà đất cũng đang mọc lên như nấm sau mưa.

Không thể phủ nhận vai trò của đội ngũ môi giới trong lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu “buông lỏng” đội quân này thì sẽ khiến thị trường chịu tác động tiêu cực không nhỏ, nhất là trong chiêu trò “làm giá”, “tạo sóng”.

Từ giữa tháng 2, Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực với những quy định mới, cụ thể về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Dư luận cho rằng, Thông tư này như chiếc “vòng kim cô” để siết hiện tượng “cò” bất động sản lộng hành làm méo mó thị trường.

Có giai đoạn, môi giới bất động sản được xếp vào một trong những nghề “hot” của xã hội. Ngay cả các trường đại học cũng mở khoa đào tạo về lĩnh vực này.

Nghề môi giới bất động sản không chỉ có sức hút với những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan như đầu tư, xây dựng… mà còn khiến nhiều người bỏ cả nghề tay phải để chạy theo nghề tay trái này.

Và với sự phục hồi tốt như hiện này, thời kỳ hoàng kim của nghề môi giới bất động sản đang trở lại.

Tuy nhiên, trước sự phát triển ồ ạt này, những nghi ngờ về chất lượng của đội ngũ môi giới cũng như tính trung thực của các sản phẩm sau sự nhào “nặn” của môi giới đang là dấu hỏi lớn.

Kể từ cuối năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực và khởi sắc trở lại.

Thống kê từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho thấy, năm 2015 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản tăng vọt, tới 78,7% so với năm 2014.

Cùng đó, lượng nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch cũng tăng gấp từ 2 – 3 lần.

Tuy nhiên, sự trở lại ồ ạt của các văn phòng môi giới bất động sản như một phong trào và đi kèm là sự thiếu chuyên nghiệp.

Đầu tiên phải kể đến chất lượng đội ngũ nhân viên khi mà ai ai cũng có thể trở thành nhân viên môi giới.

Các Sàn giao dịch lớn và uy tín sẽ có những yêu cầu tuyển chọn khắt khe hơn bởi chủ yếu là đại lý bán hàng cho cả một dự án chứ ít khi làm nhỏ lẻ.

Thế nhưng khi thị trường bung ra quá nhiều dự án như hiện nay thì cũng buộc các Sàn này phải bổ sung thêm lực lượng để lôi kéo, giữ chân khách, nhất là khi chủ đầu tư không chọn một Sàn nhất định làm độc quyền phân phối.

Cũng bởi số lượng quá đông nên ngay cả các Sàn quy mô lớn cũng khó kiểm soát nhân viên môi giới của mình và khó tránh hỏi một người đầu quân cho nhiều nơi bởi họ không chịu ràng buộc lớn mà chỉ ăn theo tỷ lệ “hoa hồng” khi bán được hàng.

Kém chuyên nghiệp hơn là các Văn phòng giao dịch bất động sản nhỏ lẻ. Nhiều văn phòng tuyển người với yêu cầu đơn giản chỉ cần tốt nghiệp cấp III.

Sản phẩm của các văn phòng này là bất động sản đơn lẻ do khách gửi hoặc “hớt” lại tin rao của các Sàn hoặc dự án chào bán.

Tính đến giữa năm 2015, cả nước có hơn 26.000 nhà môi giới. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Đội ngũ môi giới ở các văn phòng nhỏ cũng đi thu thập thông tin và chào bán với khách.

Bởi vậy, nhiều khách hàng đã phải nhận “trái đắng” khi đặt lòng tin nhầm chỗ, chịu hậu quả nặng nề khi giao dịch từ những thông tin không chính xác này.

Chính những hoạt động không chuyên nghiệp này là một trong những nguyên nhân làm “méo” thị trường bất động sản như hành động đẩy giá lên quá cao so với thực tế để ăn chênh lệch hay việc cấp thông tin sai lệch gây tranh chấp khi mua bán...

Mặt khác, do không kiểm soát được các giao dịch nên Nhà nước cũng thất thu thuế từ hoạt động này – một số chuyên gia nhận xét.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây vai trò và tầm ảnh hưởng của lực lượng môi giới ngày càng thể hiện rõ nét trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, hoạt động môi giới bất động sản thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề phải xem xét.

Tính đến giữa năm 2015, cả nước có hơn 26.000 nhà môi giới; trong đó Hà Nội có 10.000 nhà môi giới, Tp. Hồ Chí Minh là 13.000 và 3.000 người là ở các tỉnh, thành khác.

Môi giới bất động sản là một ngành đặc thù, đòi hỏi người làm phải có vốn kiến thức tổng hợp về ngành nghề, lĩnh vực, luật pháp, kiến thức xã hội và các kỹ năng mềm.

Ngoài kiến thức được học, các môi giới viên còn phải thường xuyên trau dồi bản thân.

Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Phú Quý (quận Thanh Xuân) cho rằng cần có chế tài mạnh đối với các sàn giao dịch, người môi giới cố tình làm sai. Như vậy mới giúp lành mạnh thị trường kinh doanh bất động sản.

Bởi vậy, Thông tư số 11 được đón nhận với quy định cụ thể người muốn hành nghề môi giới bất động sản phải thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Các nội dung sát hạch phong phú, thiết thực và chặt chẽ khiến nhiều người kỳ vọng sẽ tạo nên một thì trường bất động sản minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành bày tỏ quan điểm, muốn thị trường hoạt động quy củ, minh bạch cần phải “trị” từ gốc, tức là phía chủ đầu tư.

Nếu chủ đầu tư cố tình đưa ra thông tin sai lệch về dự án, cố tình lừa đảo khách hàng (một căn hộ bán cho nhiều người) thì nhân viên môi giới cũng sẽ bị sai lệch theo – ông Đực phân tích.

Do đó, cần phải quản lý chặt chẽ thị trường từ hai đầu gồm chủ đầu tư và sàn môi giới.

Nếu chỉ dựa vào Thông tư số 11 thì chưa đủ cơ sở để khẳng định sẽ làm cho thị trường lành mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục