Vai trò khó thay thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu

05:30' - 07/03/2020
BNEWS Dịch COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp hoặc còn có thể coi là sự kiện "thiên nga đen" - sự kiện không thể đoán trước và thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

No Title

Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát đến nay, các phương tiện truyền thông phương Tây đã liên tục bình luận về tác động của dịch bệnh và cho rằng điều này sẽ đẩy nhanh việc tách chuỗi công nghiệp của Trung Quốc với một số nước phát triển và có thể khiến nhiều công ty đa quốc gia phải xem xét lại việc phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Trên cơ sở này, truyền thông phương Tây dự đoán dịch COVID-19 có thể dẫn tới một cuộc cải cách lớn về chuỗi công nghiệp ở châu Á và thế giới, song họ cũng thừa nhận hiện chưa có nền kinh tế nào thay thế được vai trò trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dịch COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp hoặc còn có thể coi là sự kiện "thiên nga đen" - sự kiện không thể đoán trước và thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng - và không phải là trường hợp đầu tiên trong lịch sử loài người.

Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh nên ưu tiên hàng đầu của nước này hiện nay là huy động mọi nguồn lực để trị bệnh, cứu người và ngăn chặn sự lây lan của dịch. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc ở một mức độ nhất định.

Tuy vậy, "chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới" đang ngày càng hoàn thiện tại Trung Quốc không thể vì dịch bệnh mà bị "phá vỡ" hoặc xuất hiện tình trạng tách rời chuỗi công nghiệp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới như dư luận phương Tây tuyên truyền.

Thứ nhất, sự phân chia lao động và hợp tác trong chuỗi công nghiệp giữa Trung Quốc và Mỹ hay sự hình thành và phát triển của Trung Quốc như là một trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu đều có logic kinh tế nội tại.

Các quá trình này có cả đặc điểm chu kỳ và tính giai đoạn của sản xuất công nghiệp toàn cầu cùng với những thay đổi trong mô hình công nghiệp, cũng như các đặc tính ổn định trong chu trình.

Xét về lịch sử phát triển công nghiệp toàn cầu, từ nửa sau thế kỷ 18 đến những năm 1980, cục diện "công xưởng của thế giới", "trung tâm sản xuất thế giới" đã lần lượt dịch chuyển từ Anh, Mỹ sang Nhật Bản. Trái và phải.

Kể từ khi Trung Quốc đẩy mạnh cải cách mở cửa vào những năm 1990, đặc biệt là gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) năm 2001, được hưởng lợi từ việc cải thiện điều kiện ngoại thương và chuyển dịch công nghiệp toàn cầu, trong khi có các lợi thế so sánh như chi phí lao động thấp, Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển thành nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, đồng thời đạt được lợi nhuận tương đối ổn định trong phân công lao động thuộc chuỗi giá trị toàn cầu.

Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành một nền kinh tế mới nổi với các chuỗi công nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Mặc dù từ năm 2009, các nước phát triển đã đưa ra các biện pháp như "tái công nghiệp hóa" và "đưa sản xuất công nghiệp quay lại đất nước mình", nhưng cho đến nay vẫn không mấy hiệu quả.

Điều này cho thấy ngay cả các nước phát triển nhất, cũng khó có thể dùng ý chí để thay đổi cục diện phân công trong chuỗi công nghiệp toàn cầu.

Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ do những hạn chế về cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển kinh tế và các nguồn lực khác, trong ngắn hạn không có đủ điều kiện cơ bản để thay thế Trung Quốc. Do đó, từ nay đến khoảng năm 2030, sự phân công lao động trong chuỗi công nghiệp toàn cầu sẽ vẫn tương đối ổn định.

Thứ hai, lợi nhuận lớn mà Trung Quốc tạo ra cho khu vực và thế giới dựa trên sự phát triển của ngành sản xuất, thúc đẩy chuỗi giá trị thương mại và đẩy mạnh mở cửa ngành tài chính, sẽ tạo thành liên kết cốt lõi của lợi nhuận toàn cầu trong nửa đầu thế kỷ 21, và cũng là động lực quan trọng để xu thế toàn cầu hóa kinh tế không bị ngăn chặn.

Các công ty đa quốc gia phương Tây cực kỳ nhạy cảm với thị trường quốc tế, đã được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong một thời gian dài và phụ thuộc nhiều vào lợi nhuận ở thị trường nước ngoài, sẽ không chủ động từ bỏ thị trường Trung Quốc và tách khỏi Trung Quốc từ góc độ chuỗi công nghiệp, trừ khi họ có lợi ích thay thế một cách bền vững.

Trong tương lai gần, không có quốc gia hay nhóm lợi ích quốc gia nào có thể gánh vác mọi chi phí khi toàn cầu phân thành hai hệ thống công nghệ, thương mại, công nghiệp và thậm chí hai hệ thống tài chính. Nói cách khác, xét về mặt logic kinh doanh thông thường và chi phí giao dịch, không ai chọn cách tách khỏi Trung Quốc.

Thứ ba, trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu ngày nay, sự cạnh tranh “một mất một còn” chỉ gây ra tổn thất.

Đối với các chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn, các vấn đề như tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính, kiện toàn quy tắc thương mại, hoặc nâng cấp và thay đổi chuỗi công nghiệp, hoặc giải quyết hiệu quả các vấn đề phức tạp như tranh chấp thương mại giữa các quốc gia, đều không thể tách khỏi sự tôn trọng quy luật thị trường và các quy tắc quốc tế, cũng như sự phân công và hợp tác dựa trên nền tảng đồng thuận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục