Vai trò khu vực Trung Đông trong các chính sách của Nga

06:30' - 30/01/2019
BNEWS Trang mạng Al-monitor mới đăng tải bài viết "Sau khi Mỹ rút khỏi Syria, những nhân tố nào định hình chính sách của Nga đối với Trung Đông năm 2019".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tới dự một cuộc họp tại Helsinki, Phần Lan ngày 12/9/2017. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mặc dù Nga đã điều chỉnh chính sách đối với Trung Đông trước thời điểm Tổng thống Donald Trump vào tháng 12/2018 bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria, nhưng việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ có những tác động làm thay đổi chính sách của Nga đối với Syria.

Liên minh do Mỹ lãnh đạo tại Syria bắt đầu rút quân từ ngày 11/1. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, tướng Sean Ryan, cho biết quá trình rút quân khỏi Syria đã bắt đầu trong khi lưu ý rằng lộ trình rút quân cụ thể, địa điểm hoặc vấn đề di chuyển quân sẽ không được công bố vì vấn đề an ninh trong hoạt động quân sự.

Mặc dù các báo cáo ban đầu khẳng định một số lực lượng Mỹ đã rút khỏi căn cứ quân sự Rmeilan tại tỉnh Hasakeh, khu vực Đông Bắc Syria, giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó tiết lộ việc rút một số phương tiện chiến đấu đã được tiến hành, chưa phải là rút binh lính.

Một ngày trước đó, ngày 10/1, Hossein Jaberi Ansari, trợ lý cấp cao của Ngoại trưởng Iran, đã đến Nga trong chuyến công du hai ngày, gặp gỡ Đặc phái viên của Nga về Syria, ông Alexander Lavrentiev, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin và hai Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin và Mikhail Bogdanov.

Tình hình tại Syria trong thời kỳ hậu Mỹ đã chiếm thời lượng chính trong các cuộc thảo luận, nhưng các quan chức cũng được báo cáo là "trao đổi đánh giá" về diễn biến tình hình tại Iraq, Libya, Sudan và Yemen, ủng hộ các nỗ lực của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen, ông Martin Griffiths, để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Quyết định rút quân bất ngờ của Mỹ đã tạo ra một số vấn đề trong một vài tuần qua và Nga đang chờ đợi để xem việc rút quân sẽ được tiến hành như thế nào.

Nhiều quan chức tại Moskva tin rằng quân đội Mỹ, chủ yếu là các lực lượng đặc nhiệm, các nhân viên CIA hoặc cố vấn quân sự, sẽ tiếp tục hiện diện tại Syria sau khi Mỹ rút quân nhằm giám sát Iran tại khu vực biên giới Syria-Iraq.

Quyết định của Tổng thống Trump dựa trên nhận thức và các đánh giá về chính trị khi tình hình trên thực địa đã thay đổi. Theo đó, những khác biệt trong chính quyền Trump giữa cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc Mỹ rút khỏi Syria không gây ra vấn đề lớn đối với Moskva và các quốc gia khác can dự vào Syria tại khu vực. Các nước này hiện đang tính toán các bước đi tiếp theo với quan điểm các cam kết của Mỹ liên quan đến Syria đã không còn tồn tại.

Về mặt ngoại giao, Mỹ rút quân không thay đổi đáng kể lộ trình hành động của Nga. Moskva kiên định theo đuổi các sáng kiến đã được nêu ra trong năm 2018, ba trụ cột đã được đưa ra là thành lập ủy ban hiến pháp, hồi hương người tị nạn và thúc đẩy các nỗ lực tái hợp pháp hóa chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, đi cùng với đó là theo đuổi việc huy động các nguồn tài chính nhằm tái thiết Syria.

Trên phạm vi khu vực, mục tiêu hàng đầu là Nga sẽ cần sự hợp tác của Đặc phái viên mới của Liên hợp quốc về Syria, Geir Pedersen, cũng như gia tăng tiếp xúc với các nhóm đối lập đã được xác định và các hội đồng địa phương. Mục tiêu thứ hai là tìm kiếm sự hợp tác có hiểu quả với các nước hiện đang cho phép người tị nạn Syria lánh nạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Liban. Mục tiêu thứ ba là tìm kiếm nguồn tài chính tái thiết Syria, nhất là từ các nước vùng Vịnh.

Bên ngoài khu vực, Pháp, Đức và có thể là Italy cũng như EU đang được xem như có sự quan tâm đến tái thiết Syria và cố gắng lôi kéo các nước này vào cuộc. Cho dù việc lôi kéo các nước châu Âu tham gia tái thiết Syria không hiệu quả thì Nga cũng sẽ không thay đổi các mục tiêu trên. Moskva đang dẫn dắt quá trình này và sẽ tiếp tục nỗ lực cho dù có hay không có Paris, Berlin và Brussels.

Mặc dù xu hướng trong quan hệ quốc tế hiện đại cho thấy một số vấn đề có thể thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là nếu nhà nước Hồi giáo tự xưng 2.0 trỗi dậy trong một vài năm nữa thì Nga hiện đã sẵn sàng để tay đổi chính sách đối với Trung Đông từ việc dựa trên các đánh giá thách thức sang dựa trên các đánh giá về cơ hội. Nga đang tạo dựng được hình ảnh là quốc gia trung gian hòa giải mới tại khu vực, có khả năng cân bằng sức mạnh tại khu vực và tạo ra được các cơ hội cho phép Moskva tìm kiếm được một loạt giá trị tại khu vực, bao gồm trong lĩnh vực quan lý an ninh, lĩnh vực năng lượng hay buôn bán vũ khí hoặc xuất khẩu nông sản.

Khu vực Trung Đông giống như một canh bạc. Một khi người chơi bắt đầu cảm thấy vận may đang đến họ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm cho đến khi từ từ mất hết số bạc đã thắng. Để tiếp tục tận dụng cơ hội đang có tại Trung Đông mà Nga đã tự tạo ra, sẽ là khôn ngoan nếu tiếp tục kiên định và không bằng lòng với thắng lợi ban đầu, Mỹ rút quân khỏi Syria mới chỉ là thắng lợi bước đầu của Nga./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục