EC chia rẽ trong hướng giải quyết vấn đề tài chính công của Italy​

17:12' - 15/05/2019
BNEWS Giới chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết, nếu Italy không thay đổi chính sách thì tình hình tài chính công đang xấu đi của nước này sẽ phá vỡ các quy tắc của khối trong năm nay và năm tới.
Một khu chợ ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) vẫn đang chia rẽ về hướng đi tốt nhất cho nền kinh tế lớn thứ ba của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

EC đang theo dõi chặt chẽ Italy do núi nợ công lớn của nước này hiện đang ở mức cao thứ hai châu Âu chỉ xếp sau Hy Lạp. EC dự báo nợ công của Italy sẽ tăng trong năm nay và năm tới, thay vì giảm dần theo quy định của EU. Thâm hụt ngân sách của Italy cũng sẽ tăng, trong khi tăng trưởng chững lại.

Các chính trị gia Italy và các nước khác thuộc EU đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài phát biểu của mình trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được tổ chức vào ngày 23-26/5 tới.

Trong khi đó, nội bộ EC đang bị chia rẽ bởi vấn đề tại Italy khi một số người trong đó có Phó Chủ tịch Valdis Dombrovskis muốn đưa ra các hành động mạnh tay hơn, trong khi Ủy viên phụ trách kinh tế của EC, Pierre Moscovici lại khuyến khích đối thoại và thỏa hiệp.

Kịch bản tồi tệ hơn là EU phải sử dụng tới hình thức phạt tiền, điều mà Italy đã tránh được hồi tháng 12/2018  nhờ một thỏa thuận với EC về kế hoạch ngân sách năm 2019. Tuy nhiên, kể từ tháng 12 năm ngoái, các số liệu và triển vọng kinh tế của Italy đã trở nên xấu đi, làm gia tăng sự quan ngại của các nhà đầu tư về khả năng hoàn thành các mục tiêu đã cam kết với EC của Rome. 

EC sẽ công bố báo cáo về tình hình tài chính công của Italy vào ngày 5/6 tới và có thể kết luận bằng một lời kêu gọi tiến hành các bước kỷ luật đối với Italy. Quyết định cuối cùng sẽ do Chủ tịch EC, Jean-Claude Juncker, người trước đây có quan điểm nghiêng về phía ông Moscovici, đưa ra.

Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đều từng tránh khỏi bị phạt tiền do vi phạm các quy tắc của EU nhờ cách giải quyết của EC. Một số quan chức dự đoán rằng ông Juncker, người sẽ rời khỏi vị trí đương nhiệm vào tháng 10/2019, sẽ giữ vững lập trường khoan dung của mình và để lại vấn đề này cho người kế nhiệm.

Tuy nhiên, áp lực từ các thị trường có thể đóng vai trò phần nào trong việc thay đổi chính sách của Italy, nhận định này của Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini đã khiến lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này leo lên mức cao nhất trong hai tháng là 2,755%.

Theo dự báo mới nhất của EC, nợ công của Italy sẽ tăng lên 133,7% GDP trong năm nay, từ mức tương ứng 132,2% GDP của năm 2018. Sang năm 2020, thậm chí mức nợ công của nước này có thể cao hơn, khoảng 135,2% GDP. Điều này đi ngược với quy định của EU, giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế Italy được dự báo sẽ gần như đình trệ trong năm nay. 

Xem thêm:

>>EU hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khối

>>Nhà hàng đầu tiên tại Italy sử dụng robot phục vụ bàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục