Indonesia sẽ trở thành “đấu trường” pin xe điện

06:30' - 07/06/2023
BNEWS Indonesia chuẩn bị trở thành “đấu trường” cho pin xe điện trong bối cảnh một công ty lớn của Trung Quốc và đối tác địa phương chuẩn bị xây dựng cơ sở lắp ráp xe tải và xe buýt điện đầu tiên ở đây.

Theo tờ The Straits Times, Indonesia chuẩn bị trở thành “đấu trường” cho pin xe điện (EV) trong bối cảnh một công ty lớn của Trung Quốc và đối tác địa phương chuẩn bị xây dựng cơ sở lắp ráp xe tải và xe buýt điện đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này. Sự cạnh tranh này diễn ra giữa công nghệ pin dựa trên nickel có tầm di chuyển xa hơn và pin dựa trên sắt có giá rẻ hơn.

Với sự hỗ trợ từ hãng BYD của Trung Quốc - nhà sản xuất EV lớn nhất và cũng là nhà sản xuất pin lithium iron phosphate (LFP) chính trên thế giới, công ty sản xuất thiết bị và phụ tùng ô tô VKTR Teknologi Mobilitas có trụ sở tại Jakarta đang tìm cách sản xuất 3.000 xe buýt và xe tải điện mỗi năm sau khi hoàn tất xây dựng nhà máy mới vào năm 2024.

Trong 13 tháng qua, 52 xe buýt BYD dựa trên LFP do VKTR nhập khẩu đã tham gia đưa đón hành khách trên khắp thủ đô Jakarta. Trong khi đó, hàng trăm xe điện do hãng Hyundai của Hàn Quốc sản xuất, sử dụng pin lithium-nickel manganese cobalt (NMC); và hãng xe Wuling của Trung Quốc, sử dụng pin LFP, cũng đã chạy trên đường ở các thành phố của Indonesia.

Cả hai công ty trên đã thâm nhập vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Tiếp đó, trong năm nay, CATL - nhà sản xuất pin EV lớn nhất thế giới - sẽ khởi công xây dựng một nhà máy ở tỉnh Bắc Maluku để sản xuất nguyên liệu thô dùng trong các tế bào và các bộ pin NMC.

Theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg, Indonesia dẫn đầu thế giới về trữ lượng nickel, chiếm tới 24%, tiếp theo là Philippines, với khoảng 5%. Pin dựa trên nickel là dạng phổ biến nhất hiện được tìm thấy trong các xe điện. Nissan, Mercedes-Benz và Tesla (các mẫu xe cao cấp) đang sử dụng pin NMC vốn cho phạm vi hoạt động dài hơn.

Pin LFP có mật độ năng lượng thấp hơn – bằng khoảng 2/3 so với pin NMC. Do đó, để đạt được phạm vi di chuyển tương tự, kích thước vật lý của pin LFP sẽ cần phải lớn hơn 1/3 - vấn đề đáng lo ngại ở bất kỳ phương tiện nào do chiếm nhiều không gian. Tuy nhiên, giá pin LFP lại rẻ hơn khoảng 40% so với pin NMC.

Theo nhà nghiên cứu công nghệ năng lượng Putra Adhiguna thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, bất chấp sự giàu có về trữ lượng nickel của Indonesia, các cân nhắc về chi phí có thể khiến thị trường nghiêng về lựa chọn pin LFP vốn có giá hợp lý hơn.

Ông Putra cho rằng, nếu mục tiêu là hướng tới một thị trường rộng lớn hơn, pin LFP có thể sẽ được sử dụng trong nước, trong khi pin NMC sẽ có công suất lớn để xuất khẩu sang các thị trường giàu có.

Dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú có liên quan đến sự phát triển của EV, Indonesia đã và đang thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực EV, với việc công bố các ưu đãi thuế dành cho các nhà sản xuất toàn cầu và giảm giá bán EV trong nước.

Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết chính phủ nước này dự kiến sẽ thu hút hơn 30 tỷ USD vốn đầu tư vào chuỗi cung ứng pin EV vào năm 2026.

Phát biểu tại một cuộc thảo luận vào ngày 31/5, ông Rachmat Kaimuddin, Thứ trưởng Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư được giao nhiệm vụ xử lý các cuộc đàm phán với các nhà đầu tư EV nước ngoài tiềm năng tiết lộ rằng các hãng EV lớn hiện đang xem xét thị trường Đông Nam Á để quyết định quốc gia nào mà họ muốn xây dựng cứ điểm sản xuất khu vực.

Ông Rachmat nói: “Họ đang hỏi liệu một quốc gia có đang xây dựng cơ sở hạ tầng phong phú cho EV hay không, liệu có các chính sách công nghiệp hỗ trợ hay không. Indonesia luôn nỗ lực thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp EV và mở cửa cho bất kỳ ai cung cấp hoạt động kinh doanh tốt”.

Về phần mình, ông Anindya Bakrie, người đứng đầu Ban cố vấn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), nhấn mạnh: “Bên dưới mặt đất của mình, Indonesia có nguồn nguyên liệu quan trọng dồi dào như nickel, kẽm, đồng và nhiều loại khoáng sản khác cần thiết cho EV”.

Lưu ý rằng pin LFP có vòng đời dài hơn NMC, Giám đốc điều hành VKTR Gilarsi Setijono thông báo, vào đầu năm 2022, công ty này đã ký kết hợp đồng 10 năm cung cấp xe buýt điện cho chính quyền thành phố Jakarta với mục tiêu vận hành 10.200 chiếc xe buýt điện vào năm 2030 và 52 xe buýt điện vừa được bàn giao là lô đầu tiên.

So sánh xe buýt điện LFP với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong, ông Gilarsi cho biết: “Giá của xe buýt điện cao gấp đôi xe buýt thông thường, song cả 2 sẽ ngang nhau sau 7 năm vì xe buýt điện không tiêu thụ nhiên liệu và không cần bảo trì thường xuyên. Sau 7 năm, xe buýt điện sẽ bắt đầu mang lại lợi thế về chi phí”. Cũng theo ông Gilarsi, hiện số lượng xe buýt của Indonesia là 213.000 chiếc. Ngoài ra, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này còn có 5,5 triệu xe tải và 19,3 triệu xe khách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục